Chính sách Giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2023

GD&TĐ - Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên GV, Tiêu chuẩn thư viện trường mầm non, phổ thông là những chính sách có hiệu lực từ tháng 1/2023.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư có hiệu lực từ 20/1/2023.

Theo đó, những sửa đổi bổ sung liên quan đến: Đối tượng áp dụng, mục đích của bồi dưỡng thường xuyên, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên; đánh giá và xếp loại kết quả bồi dưỡng thường xuyên; cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên…

Đáng chú ý, theo quy định mới, đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Giáo viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập;

Giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dành cho người khuyết tật;

Giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Mục đích của bồi dưỡng thường xuyên nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với giáo viên, cán bộ quản lý. Là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý. Nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí việc làm; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.

Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cũng nhằm phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo.

Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên khi thực hiện đầy đủ quy định của các khóa bồi dưỡng trong năm học; hoàn thành đầy đủ các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch với kết quả đạt yêu cầu theo quy định.

Giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành các khóa bồi dưỡng trong năm học theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 thì được Sở GD&ĐT công nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.

Kết quả đánh giá, xếp loại bồi dưỡng thường xuyên được lưu vào hồ sơ và là căn cứ thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp và sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý.

Một điểm đáng chú là Thông tư 17/2022 còn chính thức bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học với báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Ban hành tiêu chuẩn thư viện trường mầm non, phổ thông

Ngày 22/11/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT, quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Thông tư quy định các tiêu chuẩn của thư viện ở 2 mức độ (mức độ 1, mức độ 2) với các nội dung về: Tài nguyên thông tin; cơ sở vật chất; thiết bị chuyên dùng; hoạt động thư viện; quản lý thư viện.

Cơ quan quản lý giáo dục thực hiện đánh giá và công nhận thư viện đạt mức độ tiêu chuẩn theo một hoặc các phương thức: Thông qua báo cáo kết quả tự đánh giá hoạt động của thư viện; trực tiếp đánh giá hoạt động tại thư viện; trực tuyến thông qua hệ thống phần mềm xử lý số liệu.

Đánh giá và công nhận thư viện trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THCS) do phòng GD&ĐT thực hiện.

Đánh giá và công nhận thư viện trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THPT) do sở GD&ĐT thực hiện.

Chu kỳ đánh giá và công nhận thư viện là 5 năm. Kết quả đánh giá thư viện được sử dụng cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia của các trường mầm non, tiểu học, trung học, trường phổ thông có nhiều cấp học và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư là quy định về liên thông thư viện. Theo đó, liên thông thư viện giữa các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THCS) được thực hiện cùng cấp học trên cùng địa bàn cấp huyện; giữa các trường mầm non, tiểu học, THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THCS) với thư viện cấp xã, huyện trên cùng địa bàn.

Liên thông thư viện giữa các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THPT) được thực hiện cùng cấp học trên cùng địa bàn cấp huyện, tỉnh; giữa các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THPT) với thư viện cấp huyện, tỉnh trên cùng địa bàn.

Các thư viện có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm và tương thích; bảo đảm nguồn tài nguyên thông tin số; có đủ nhân lực để đáp ứng, vận hành, khai thác, chia sẻ có thể liên thông với các thư viện cơ sở giáo dục khác mà không giới hạn không gian liên thông.

Các thư viện tham gia liên thông trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên của thư viện cho nhóm dùng chung. Hợp tác có thỏa thuận giữa các thư viện bảo đảm thống nhất quy trình khai thác, được quản lý bằng các phần mềm, có thể truy cập được bằng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Các thư viện trên địa bàn khác nhau có thể thỏa thuận tham gia liên thông bằng hình thức chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin số…

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Tăng thu nhập cho giáo viên tại TP Hồ Chí Minh

Từ 1/1/2023, Nghị quyết về hệ số điều chỉnh tăng thu nhập 2023 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh chính thức có hiệu lực.

Theo đó, trong năm 2023, giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm là 1,8 lần tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ theo Điều 1 Nghị quyết 27 năm 2022 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Cũng theo Nghị quyết này, Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018 trong năm 2023 đến hết thời gian thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14 theo hệ số 1,8 nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ