Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2022

GD&TĐ - Dưới đây là một số chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, có hiệu lực từ tháng 11/2022.

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2022

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT

Ngày 24/10, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2022; thay thế Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT.

Nghị định số 86/2022/NĐ-CP cơ bản kế thừa các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 và bổ sung các nội dung mới đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Để đảm bảo đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã được bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới về quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã tiến hành tinh gọn tổ chức bộ máy,

Cụ thể, sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ; tổ chức lại Cục Cơ sở vật chất thành Vụ Cơ sở vật chất; tiếp tục duy trì không tổ chức phòng trong Vụ.

Để thống nhất việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, Bộ GD&ĐT chuyển Học viện Quản lý giáo dục (là cơ sở giáo dục đại học) và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (là cơ sở đào tạo bồi dưỡng) về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ còn 20 tổ chức hành chính (gồm 16 đơn vị hành chính cấp Vụ, 4 đơn vị hành chính cấp Cục) và 3 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước.

Xem chi tiết Nghị định TẠI ĐÂY.

Trụ sở Bộ GD&ĐT. Ảnh: ITN.

Trụ sở Bộ GD&ĐT. Ảnh: ITN.

Quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm

Ngày 10/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2022.

Thông tư này quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm định viên; bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên; sát hạch, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên.

Người có từ 5 năm (60 tháng) trở lên là giảng viên hoặc làm công tác quản lý giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; am hiểu chính sách, pháp luật về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên theo quy định của Bộ GD&ĐT được đăng ký tham dự sát hạch kiểm định viên.

Cục Quản lý chất lượng là đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch, quy định về tổ chức sát hạch kiểm định viên trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký ban hành; phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài Bộ GD&ĐT tổ chức sát hạch kiểm định viên.

Thí sinh thực hiện việc sát hạch qua 2 bài thi, gồm bài thi lý thuyết theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài là 60 phút và bài thi thực hành với thời gian làm bài là 120 phút.

Thí sinh đạt từ 80 điểm trở lên ở bài thi lý thuyết và đạt từ 70 điểm trở lên ở bài thi thực hành (thang điểm 100) được Hội đồng sát hạch kiểm định viên xem xét xác định đạt yêu cầu.

Thẻ kiểm định viên được cấp cho người có trong quyết định công nhận kết quả thí sinh đạt yêu cầu trong kỳ sát hạch kiểm định viên.

Thẻ kiểm định viên bị thu hồi khi người được cấp thẻ vi phạm một trong các trường hợp sau:

Có hành vi gian dối để đạt yêu cầu trong kỳ sát hạch kiểm định viên; Cố ý đưa ra kết quả kiểm định chất lượng giáo dục không trung thực; Vi phạm một trong những quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư này về những việc kiểm định viên không được làm; Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Xem chi tiết Thông tư TẠI ĐÂY.

Khai mạc lớp tập huấn bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tin học cho giảng viên Trường Sĩ quan chính trị năm 2020. Ảnh: ITN.
Khai mạc lớp tập huấn bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tin học cho giảng viên Trường Sĩ quan chính trị năm 2020. Ảnh: ITN.

Quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội

Ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 63/2022/TT-BQP quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội. Thông tư có hiệu lực kể từ 15/11/2022.

Thông tư này quy định về mẫu chứng chỉ; nguyên tắc quản lý, cấp và sử dụng chứng chỉ; cấp lại, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ; sao chứng chỉ từ sổ gốc; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý và sử dụng chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội.

Theo Thông tư này, Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý mẫu chứng chỉ, tem chống giả, việc cấp phôi, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cơ quan quản lý nhà trường quân đội có trách nhiệm quản lý việc sử dụng phôi chứng chỉ, cấp, sửa đổi, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ đối với nhà trường quân đội thuộc quyền quản lý.

Nhà trường quân đội có trách nhiệm trực tiếp quản lý phôi chứng chỉ; cấp, sửa đổi, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Chứng chỉ được cấp sau khi học viên đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo quy định và có quyết định công nhận tốt nghiệp của cấp có thẩm quyền.

Giám đốc, hiệu trưởng nhà trường quân đội có trách nhiệm cấp chứng chỉ cho đối tượng quy định tại Điều 9 Thông tư này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

Trường hợp chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện viết sai do lỗi của nhà trường quân đội thì nhà trường đã cấp chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại bản chính chứng chỉ.

Về thủ tục cấp lại chứng chỉ: Người có yêu cầu cấp lại chứng chỉ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho nhà trường quân đội một bộ hồ sơ, gồm: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ có xác nhận của cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý nhân sự xin cấp lại chứng chỉ; chứng chỉ đề nghị cấp lại; giấy tờ chứng minh nhà trường quân đội viết sai khi cấp chứng chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhà trường quân đội xem xét quyết định việc cấp lại chứng chỉ; trường hợp không được cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp mẫu chứng chỉ tại thời điểm cấp lại chứng chỉ đã thay đổi thì sử dụng mẫu chứng chỉ hiện hành để cấp cho người được cấp lại chứng chỉ.

Xem chi tiết Thông tư TẠI ĐÂY.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.