Bồi dưỡng thường xuyên: Đa dạng cách làm của giáo viên vùng khó

GD&TĐ - Chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng - các thầy cô ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đang có những cách làm phù hợp với thực tế địa phương nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Một lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tại TP Hải Phòng
Một lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tại TP Hải Phòng

Xây dựng đội ngũ “chân rết”

Là một trong những giáo viên cốt cán, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) sau khi được bồi dưỡng các mô đun thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) đã hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại, cô còn hỗ trợ đồng nghiệp thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề.

Ngoài ra, cô tích cực chủ động dự giờ để kịp thời hỗ trợ, góp ý cho đồng nghiệp làm tốt hơn trong dạy – học. “Tôi cũng thực hiện tiết dạy mẫu để cán bộ, giáo viên dự giờ, từ đó tham khảo, rút kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy” – cô Bình chia sẻ.

Hỗ trợ đồng nghiệp tự học trên Hệ thống LMS), truy cập tài liệu gốc với học liệu phong phú, có chất lượng của Chương trình ETEP, cô Bình còn biên soạn tài liệu rồi gửi cho đồng nghiệp nghiên cứu.

“Tôi vẫn thường xuyên tương tác với đồng nghiệp của mình trên nhóm Zalo, thi thoảng đưa ra một vài chủ đề, hoặc tình huống sư phạm, phương pháp dạy học mới để cùng nhau thảo luận; từ đó mỗi người sẽ tự rút ra bài học kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn lớp học mà mình phụ trách” – cô Bình nhấn mạnh, đồng thời cho biết:

Bản thân cô cũng thường xuyên nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật dạy học mới để áp dụng vào thực tiễn. Hằng ngày, cô dành ít nhất 1 tiếng để xem các video dạy học trên kênh YouTube, từ đó chắt lọc kinh nghiệm cho mình.

“Tôi cũng hay xem chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Từ chương trình này, tôi học được hiều kinh nghiệm hay, bài học quý để điều chỉnh phương pháp dạy học và cách ứng xử sư phạm với học trò” – cô Bình cho hay. 

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân và từ học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp trên cả nước, cô cũng soạn tài liệu để hỗ trợ giáo viên đại trà. Tài liệu này được cô gửi đến các đồng nghiệp trên địa bàn, để cùng nhau nghiên cứu và tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm.

Theo kinh nghiệm của cô Hoàng Thị Tuyến – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pố Lồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang), một trong những biện pháp hữu hiệu trong công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng là đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn và giáo viên dự giờ lẫn nhau; từ đó giáo viên góp ý trên tinh thần cởi mở, cùng giúp nhau tiến bộ và hoàn thiện hơn; tuyệt đối không góp ý theo kiểu xét nét, đánh giá hoặc “bới lông tìm vết”.

“Cách làm của chúng tôi là, xây dựng từng tổ chuyên môn vững mạnh. Theo đó, các thành viên trong tổ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Ngoài ra, chúng tôi xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt từ cấp tổ chuyên môn đến cấp trường. Đây là những “chân rết” sẵn sàng hỗ trợ các giáo viên khác khi cần” – cô Tuyến chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Thanh Bình và học trò của mình nghiên cứu về sách giáo khoa mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Hoàng Thị Thanh Bình và học trò của mình nghiên cứu về sách giáo khoa mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quan trọng là tự học, tự bồi dưỡng

Cũng là một trong những cán bộ quản lý cốt cán được tham dự tập huấn của Chương trình ETEP, thầy Lâm Đại Đồng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Phong (Như Xuân, Thanh Hoá) cho hay: Những gì lĩnh hội được từ khoá tập huấn, thầy đã trao đổi, hướng dẫn cho đồng nghiệp, hỗ trợ họ trong quá trình tự bồi dưỡng trên Hệ thống LMS.

Mặt khác với địa bàn vùng miền núi, trường THCS Thanh Phong còn vận dụng linh hoạt phương thức bồi dưỡng. “Chúng tôi vận dụng phương pháp, hình thức của Chương trình ETEP để hỗ trợ đồng nghiệp và có cải tiến để phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Chẳng hạn: Theo Chương trình ETEP, chúng tôi được tập huấn theo công thức 5-3-7; khi về địa phương chúng tôi điều chỉnh tăng số ngày tự học, tự nghiên cứu và số ngày tập huấn trực tiếp lên để các thầy/cô cùng trao đổi, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tập huấn trực tiếp được tổ chức dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường.

Qua đó, vừa tạo điều kiện để các đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa động viên, khích lệ giáo viên tự học, tự nghiên cứu” - thầy Lâm Đại Đồng cho hay.

Theo thầy Đồng, hiện giáo viên trong trường đã nhận thức rõ việc tham gia bồi dưỡng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hầu hết các thầy cô đều tích cực trao đổi, tương tác với nhau, nhằm tiếp thu những phương pháp dạy học mới.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là tự học, tự bồi dưỡng. Khi nào giáo viên xác định, bồi dưỡng thường xuyên là nhu cầu tự thân thì lúc đó việc tự học, tự bồi dưỡng mới thực sự hiệu quả.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với địa hình miền núi phức tạp, việc đi lại của giáo viên gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi trao đổi bằng hình thức trực tuyến.

Trước mắt, tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán xây dựng kế hoạch bài dạy, từ đó gửi cho giáo viên trong tổ tham khảo, rút kinh nghiệm và các thầy cô tự xây dựng kế hoạch bài dạy của mình phù hợp với đối tượng học trò.

Kế hoạch bài dạy của giáo viên sẽ được tổ trưởng và Ban giám hiệu kiểm tra, góp ý, sau đó dự giờ của giáo viên để có những hiệu chỉnh phù hợp.

Chúng tôi khuyến khích, giáo viên thao giảng rồi tự quy clip tiết dạy của mình, sau đó gửi lên nhóm để cùng thảo luận, góp ý, rút kinh nghiệm; từng bước hoàn thiện bài giảng của mình để đạt hiệu quả nhất” – thầy Đồng trao đổi.

Cô Hà Thị Thu – Hiệu Trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá) cũng chia sẻ, để công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, Ban giám hiệu, đặc biệt là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phải hiểu rõ giáo viên của mình: Từ trình độ cho đến sở trường, sở đoản…, nhất là năng lực sư phạm, từ đó mới có biện pháp bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thích hợp.

“Chúng tôi phát động đến toàn thể giáo viên trong trường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc để không ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, những giáo viên “cứng” có trách nhiệm kèm cặp, hỗ trợ những giáo viên mới vào nghề và những giáo viên vẫn còn “non tay”.

Ngoài ra, yêu cầu giáo viên tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên trên Hệ thống LMS với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán tại địa phương. Hình thức này giúp giáo viên có thể học mọi lúc, mọi nơi và được tiếp cận tài liệu gốc có chất lượng của Chương trình ETEP, không sợ bị “tam sao thất bản”” – cô Thu nhấn mạnh.

“Chúng tôi dự kiến sẽ quay video những tình huống sư phạm, những tiết dạy mẫu… sau đó gửi lên nhóm Zalo, gmail để mọi người cùng nghiên cứu, tham khảo, từ đó rút kinh nghiệm và tự trau dồi thêm để hoàn thiện bản thân. Đồng thời, có thể vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình sao cho phù hợp nhất. Đây cũng là cách bồi dưỡng và tự bồi dưỡng có tính khả thi cao”cô Hà Thị Thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.