Tôi là giáo viên công tác tại trường học có chế độ bán trú. Căn cứ Điều 3 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP giải thích từ ngữ “Trường phổ thông dân tộc bán trú”, “Học sinh bán trú”, thì học sinh ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập trong tuần, do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hiểu là học sinh ở lại trường cả ngày lẫn đêm trong một tuần có đúng không?
Tại Điều 12 Chương IV Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT ngày 6/2/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định nhiệm vụ và quyền của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có “tham gia quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú”.
Như vậy là giáo viên phải trực quản học sinh cả ngày lẫn đêm có đúng không? Hiện tại, nơi tôi công tác đang hiểu: Học sinh bán trú không về trong ngày là ở lại trường cả ngày lẫn đêm và giáo viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3, giảm 2 tiết (dạy đủ 19 tiết đối với trường không có chế độ bán trú) thì phải trực đêm, trực cơm trưa, chiều, trực học tập buổi tối và thời gian trực bảo đảm từ 7 giờ 30 phút ngày hôm trước đến 7 giờ 30 phút ngày hôm sau. Xin hỏi, nếu hiểu và thực hiện như vậy có đúng với quy định về trường bán trú không? (minhtu***@gmail.com)
* Trả lời:
Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường chuyên biệt được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ. Chế độ làm việc của giáo viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009; sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở.
Đối với trường phổ thông có học sinh bán trú (nhưng không được công nhận là trường bán trú) thì không thuộc đối tượng áp dụng về chế độ chính sách, chế độ làm việc như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, để giúp giáo viên khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương vận dụng các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường này.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com