Chính sách cho học sinh dân tộc chưa theo kịp thực tế

GD&TĐ - Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao những năm qua đã giúp các em yên tâm đến trường, ổn định sĩ số.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, một số chế độ không phù hợp với điều kiện thực tế và nhận nhiều ý kiến góp ý điều chỉnh.

Tạo điều kiện cho học sinh khó khăn tới trường

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THPT số 2 Nghệ An hiện có khoảng 600 học sinh. Theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, học sinh là người dân tộc thiểu số đang học ở các trường nội trú được hưởng học bổng chính sách mỗi tháng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước, thời gian 12 tháng/năm. Áp dụng vào mức lương tối thiếu mới, hiện mỗi tháng các em được hỗ trợ 1.440.000 đồng. Số tiền này, các nhà trường sử dụng để tổ chức bữa ăn cho học sinh và trích lại một phần kinh phí để các em chi tiêu tại trường.

Em Chương Văn Nguyện - học sinh lớp 12C1, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An chia sẻ: Mẹ ốm đau thường xuyên nên phải ở nhà, bố làm nông nghiệp. Cả 3 anh em Nguyện biết hoàn cảnh nên bảo ban nhau cố gắng học tập.

“Em may mắn được học tại trường DTNT tỉnh, hưởng chế độ của Đảng và Nhà nước, thầy cô yêu thương quan tâm dạy dỗ. Đây là môi trường lý tưởng đối với học sinh đồng bào dân tộc khó khăn. Em mong Nhà nước duy trì thực hiện các chính sách ưu đãi để chúng em yên tâm học tập, sau này có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình, quê hương”, Chương Văn Nguyện bày tỏ.

Đối với học sinh thuộc diện dân tộc bán trú, các em được hưởng chế độ theo Nghị định 116/ 2016/NĐ-CP. Thầy Phạm Thắng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho hay, mỗi tháng, học sinh bán trú được hưởng tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, không quá 9 tháng/năm học/học sinh, tiền ở bằng 10% lương cơ sở (nếu có chỗ ở bán trú thì trừ đi) và cấp thêm gạo. Theo lương mới, mỗi tháng các em được hỗ trợ 720.000 đồng và 15kg gạo.

“Tuy nhiên, khi xã đạt nông thôn mới, nhiều bản ra khỏi khu vực III đặc biệt khó khăn, học sinh tại đây không thuộc diện hưởng chính sách của Nghị định 116. Trong khi thực tế đời sống kinh tế gia đình học sinh chưa có nhiều cải thiện, vẫn khó khăn, thiếu thốn. Mất chế độ, nguy cơ học sinh THCS bỏ học theo người quen đi làm ăn ở các khu công nghiệp rất lớn”, thầy Phạm Thắng cho hay.

Còn theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn, Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) có 200/226 học sinh ở bán trú. Trường đóng ở vùng đặc thù, xã ốc đảo duy nhất của huyện, nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Địa hình chia cắt, cách trở nên việc tổ chức bán trú là giải pháp hữu hiệu để huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Phụ huynh cũng yên tâm khi các em được ăn, ở, chăm sóc tại trường, hưởng đầy đủ mọi quy định của Nhà nước.

Cô nuôi Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An chuẩn bị bữa cơm tối cho học sinh.

Cô nuôi Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An chuẩn bị bữa cơm tối cho học sinh.

Chính sách không theo kịp thực tế

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh có hơn 70 nghìn lượt học sinh ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách đã tạo điều kiện cho học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đến trường.

Giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục, góp phần huy động học sinh ra lớp, hạn chế mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, hiệu quả đã thấy rõ nhưng một số khó khăn, vướng mắc cũng nảy sinh.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông - thầy Nguyễn Đức Sơn phân tích: Nghị định 116 có chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh và của trường bán trú nhưng lại khó áp dụng thực tế. Ví dụ tiền ăn cho học sinh dân tộc bán trú cấp THCS hiện là 720.000 đồng/tháng/em. Tuy nhiên, đặc thù các trường vùng cao tổ chức bán trú như nội trú, học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường từ đầu tuần đến cuối tuần.

“Vì vậy, kinh phí 24.000 đồng thay vì nấu 1 bữa ăn trưa bán trú, chúng tôi phải chia thành 3 bữa sáng - trưa - tối/ngày cho học sinh. Tức là mỗi bữa chỉ khoảng 8 nghìn đồng/em. Với số tiền này, kể cả khi nấu cho toàn trường với số học sinh lớn cũng khó để đảm bảo cả về lượng lẫn dinh dưỡng. Đặc biệt với lứa tuổi THCS đang phát triển về thể chất”, thầy Sơn viện dẫn.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An cũng chia sẻ, quá trình thực hiện chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước không thể bao quát hết phát sinh từ thực tiễn.

Đơn cử theo Nghị định 116 hỗ trợ 15kg gạo, tiền ăn ở bằng 50% lương cơ sở mỗi tháng/học sinh dân tộc bán trú áp dụng cho từ cấp tiểu học đến THPT. Trong khi sức ăn, thể chất từng lứa tuổi khác nhau. Hay như kinh phí hỗ trợ cho giáo viên trường bán trú là 0,3% lương cơ sở/tháng với khoảng 400.000 đồng/giáo viên là quá ít với khối lượng công việc chăm sóc, quản lý học sinh rất vất vả.

Từ thực tế tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An, cô Phó Hiệu trưởng Đậu Thị Quỳnh Mai nói thêm: Thông tư 109 ban hành từ năm 2009, sau 14 năm có nhiều nội dung không phù hợp thực tế. Ví dụ trung bình mỗi ngày, tiền ăn cho học sinh của trường là 42.000 đồng/em gồm 3 bữa ăn gồm sáng, trưa, tối.

Với số tiền này, để cân đong đo đếm bữa ăn đủ dinh dưỡng, thực đơn thay đổi mỗi ngày là việc không dễ dàng. Học bổng cho học sinh dù hưởng 80% mức lương cơ sở nhưng nay quá thấp, khó để nhà trường trang trải tiền ăn và trích lại một phần cho học sinh chi tiêu. Tiền tàu xe cũng quy định 1 năm/lần nhưng thực tế ít nhất các em về mỗi năm 2 lần, dịp Tết và hè.

Giờ sinh hoạt thể dục thể thao của học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn

Giờ sinh hoạt thể dục thể thao của học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn

Cần chính sách mới phù hợp

Qua tổng hợp từ nhà trường và các địa phương, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận nhiều ý kiến đóng góp như định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung tại các trường có học sinh bán trú còn thấp so với giá cả thị trường.

Mức hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở còn thấp, nhất là với trường THPT đóng tại khu vực thị trấn, giá thuê phòng cao. Hằng kỳ, số lượng gạo cấp về cho học sinh nhà trường lên đến hàng tấn, trong khi kho chứa gạo nhiều đơn vị không có, hoặc có nhưng không đảm bảo quy chuẩn và diện tích, dẫn đến chất lượng gạo giảm dần theo thời gian.

Một khó khăn khác là số xã miền núi khu vực III đặc biệt khó khăn giảm, theo đó học sinh tại đây không nằm trong diện được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là chế độ cho học sinh dân tộc bán trú, nội trú.

Liên quan đến chính sách cho học sinh, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Nghị định được ban hành sẽ tháo gỡ phần nào bất cập các trường đang gặp phải; tạo cơ hội cho trẻ sinh sống ở khu vực khó khăn được thụ hưởng chính sách.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn chính sách mới sẽ quan tâm đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các xã khu vực I, khu vực II, học viên học tại các trung tâm GDNN – GDTX.

Bên cạnh đó xem xét nâng mức khoán kinh phí hỗ trợ đồ dùng học tập, sinh hoạt cho học sinh DTNT; nâng khoán nấu ăn tập trung, hỗ trợ tiền điện, nước cho học sinh tại các trường phổ thông DTBT, hoặc trường phổ thông có học sinh DTBT ăn ở tập trung. Có phương án cấp phát gạo về các trường dân tộc nội trú, bán trú hợp lý. Đồng thời quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất cho các nhà trường để việc hỗ trợ các chính sách được thuận lợi và phát huy hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ