Làn sóng biểu tình phản đối Thủ tướng Sheikh Hasina do sinh viên khởi xướng, xô xát giữa những người biểu tình phản đối và lực lượng cảnh sát, an ninh đã khiến cho hàng trăm người thiệt mạng.
Giới quân sự đã can thiệp. Bà Hasina trốn chạy sang Ấn Độ. Quốc hội nước này đã bị giải tán. Giới quân sự và đại diện phe biểu tình nhất trí đề cử ông Mahammad Yunus làm thủ tướng đứng đầu một chính phủ tạm quyền.
Ông Yunus, người từng được trao Giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 2006 cho ý tưởng về thành lập ngân hàng cấp phát tín dụng mini cho người nghèo ở Bangladesh, hiện trong quá trình thành lập chính phủ mới và tuyên bố chỉ tạm quyền cho tới khi tiến hành tổng tuyển cử ở đất nước này. Nhưng ông không cho biết cụ thể khi nào thì sẽ có tổng tuyển cử.
Những biến cố bất ngờ nói trên đã chấm dứt thời kỳ cầm quyền liên tục hơn 16 năm của bà Hasina. Giới quân sự và lực lượng biểu tình đã khiến người phụ nữ này mất quyền. Bản thân ông Yunus từng bị chính quyền của bà Hasina cầm tù.
Bây giờ, ông đứng đầu chính phủ tạm quyền với sự chống lưng của những bên không còn ủng hộ bà Hasina thì đủ thấy người phụ nữ này và phe cánh chính trị của mình không còn cơ hội để lại trị vì Bangladesh nữa.
Tất cả khởi sự từ việc sinh viên tổ chức biểu tình phản đối chính sách của bà Hasina về phân bổ hạn ngạch công chức, viên chức trong bộ máy công quyền. Chính sách ấy có lợi cho phe cánh chính trị của bà Hasina.
Thật ra, đấy chỉ là giọt nước tràn ly. Những mâu thuẫn và xung khắc, căng thẳng và đối kháng trong nội bộ xã hội ở Bangladesh đã âm ỷ từ lâu nay và chỉ chờ có dịp để bùng phát. Thời bà Hasina trị vì đất nước, kinh tế Bangladesh phát triển khá ấn tượng.
Nhưng sự cách biệt giữa giàu và nghèo chưa được thu hẹp. Công bằng xã hội chưa được cải thiện. Phe đối lập bị phe cầm quyền trấn át. Bà Hasina dần đánh mất sự hậu thuẫn sâu rộng của cử tri, đặc biệt là giới trẻ, vốn đóng vai trò quyết định đối với chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2008.
Thách thức hiện tại đối với ông Yunus và chính phủ mới ở Bangladesh rất lớn và không dễ nhanh chóng được vượt qua. Trước hết và cấp thiết nhất là việc vãn hồi an ninh và ổn định chính trị - xã hội, sau đó là đề ra lộ trình cụ thể tiến tới tổng tuyển cử.
Chỉ có tổng tuyển cử thì mới có được chính phủ dân cử hợp pháp và hợp hiến cho Bangladesh và chỉ đến khi đấy mới có thể nói được rằng đất nước này đã qua được cuộc khủng hoảng quyền lực nhà nước, an ninh và ổn định chính trị - xã hội.
Ông Yunus ý thức được đầy đủ hơn ai hết là đồng thời phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực thi công bằng xã hội thật sự thì mới có thể kiến tạo nên an ninh và ổn định chính trị - xã hội lâu bền.
Vì thế, ông sẽ chỉ tập trung thay đổi về đối nội trong khi cơ bản không thay đổi hay điều chỉnh chính sách đối ngoại. Ông Yunus đã chứng tỏ là người thích hợp ở vị trí quyền lực trong bối cảnh chính trị - xã hội hiện tại ở Bangladesh. Chỉ có điều ông cần thời gian để làm nên đại sự.