Mục đích nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29 nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Nâng cao nhận thức và hành động triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT
Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên của Chương trình là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương, trước hết là Ngành GD&ĐT, các cơ quan báo chí chủ động tổ chức việc học tập và thường xuyên tuyên truyền, giải thích các nội dung của Nghị quyết 29, tập trung vào các nội dung:
Quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp, các kết quả, kinh nghiệm phát triển GD&ĐT của cả nước, của các địa phương.
Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các gia đình trong việc tích cực thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa giáo dục; tham gia tạo các nguồn lực phát triển GD&ĐT và dạy nghề trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xã hội học tập và học tập suốt đời.
Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Các cơ quan báo chí đổi mới nội dung, hình thức, cơ chế phối hợp để có sự thống nhất và đạt hiệu quả trong hoạt động thông tin và truyền thông. Mở kênh phát thanh, truyền hình giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân
Chương trình cũng đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo và giữa các hình thức giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, rà soát và điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo các cấp học và trình độ đào tạo.
Rà soát việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển một số trường và ngành đào tạo chất lượng cao.
Đồng thời, triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; phân loại các cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.
Tiếp tục triển khai việc sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Ban hành khung trình độ quốc gia phù hợp với khung trình độ cảu khu vực và thế giới.
Đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo
Triển khai đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; phát triển năng lực và phẩm chất người học, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo và ý thức tự học.
Rà soát, hoàn thiện chương trình giáo dục mầm non bảo đảm mục tiêu giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1. Triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và các nhóm trẻ độc lập, tự thục.
Xây dựng và phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Nghị quyết 29, chú trọng việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Xây dựng hệ thống ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh có thể tham khảo trong quá trình dạy và học.
Rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo và nhân lực của từng ngành, nghề, địa phương, toàn xã hội theo hướng tăng cường năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội.
Triển khai cơ chế phối hợp giữa các trường bảo đảm chất lượng, thống nhất chương trình, giáo trình theo từng ngành, nhóm ngành, nhóm nghề đào tạo. Phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu của người học và chuyển đổi ngành, nghề của xã hội.
Đổi mới chương trình giáo dục công dân, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục chính trị, quốc phòng – an ninh trong các cấp học và trình độ đào tạo; giáo dục kỹ năng sống với nội dung thiết thực và các hình thức linh hoạt, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, khoa học giáo dục và khoa học quản lý; xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên.
Tiến tới tổ chức một kỳ thi chung
Cũng theo Chương trình hành động, đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực của người học; kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối kỳ học, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển.
Trong đó, cần đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học; thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động.
Xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, đại học hàng năm trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo và tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm của cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục trên phạm vi cả nước và từng địa phương; tham gia các kỳ đánh giá quốc tế về chất lượng giáo dục phổ thông để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Định kỳ kiểm định và công khai kết quả kiểm định các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề và các chương trình đào tạo; thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Xây dựng quy chế đào tạo theo hướng người học được bảo lưu kết quả học tập để học liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân
Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà giáo đầu ngành ở các cấp học
Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sẽ đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Cụ thể, sắp xếp, kiện toàn hệ thống và điều chỉnh nhiệm vụ các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; tập trung chỉ đạo và triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách tiền lương nhằm khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục và đào tạo: mức lương nhà giáo được hưởng trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; phụ cấp thâm niên nghề nghiệp tính cho thời gian trực tiếp giảng dạy. Xây dựng cơ chế tín dụng để tạo điều kiện về nhà ở và học tập nâng cao trình độ cho giáo viên, giảng viên trẻ.
Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà giáo đầu ngành ở các cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từng bước hội nhập quốc tế; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thu hút các nghệ nhân, nghệ sỹ tài năng, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm trong ngành, có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống chức danh nhà giáo và vị trí việc làm; chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ nghiên cứu khoa học tham gia giảng dạy và giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, giáo viên và đội ngũ cán bộ nghiên cứu của các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn để hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề ngoài công lập; cơ chế cho thuê cơ sở vật chất để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập.
Khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề với các cá nhân, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Bảo đảm sự công bằng về mọi chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Xây dựng chính sách hỗ trợ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề công lập và ngoài công lập; xây dựng cơ chế và lộ trình điều chỉnh học phí theo hướng linh hoạt, trên cơ sở chất lượng và chi phí đào tạo để phát huy năng lực của từng loại hình cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Đổi mới công tác quản lý
Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và dạy nghề; trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các Bộ, ngành, địa phương và trách nhiệm của các Hội, Hiệp hội. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực, tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung mộ số điều của Luật Giáo dục. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH, cơ sở dạy nghề công lập và phổ cập giáo dục.
Rà soát, ban hành bổ sung, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá các cấp quản lý, các cơ sở và cá nhân trong hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề; tuyển dụng, đãi ngộ, quy hoạch, bổ nghiệm dựa trên kết quả đánh giá thực tế hiệu quả cống hiến và năng lực của người dạy, người học;
Chính sách khuyến khích người học các ngành, nghề độc hại, nặng nhọc, kém hấp dẫn nhưng xã hội có nhu cầu; kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Định kỳ rà soát, điều chỉnh dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thống nhất trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo cho các Bộ, ngành, địa phương; thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề một cách thống nhất và hiệu quả; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế để các cơ quan quản lý giáo dục địa phương được tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và các nguồn tài chính dành cho giáo dục.
Rà soát, bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về nghiên cứu khoa học và công nghệ trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề; gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phát triển các sản phẩm và giải pháp mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy định trách nhiệm của các cơ sở sử dụng lao động qua đào tạo trong việc tham gia xây dựng phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ các điều kiện thực hành, thực tập trong hoạt động đào tạo.
Củng cố bộ máy thanh tra giáo dục; tăng cường vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của thanh tra giáo dục.
Xây dựng quy chế quy định trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề giải quyết các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc xã hội.
Nghiên cứu thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và dạy nghề.‘
Tăng cường cơ sở vật chất, hội nhập quốc tế
Chương trình hành động nhấn mạnh: Đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho sự phát triển, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả, hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm của các mô hình giáo dục tiên tiến, đẩy nhanh tiến độ đổi mới chương trình, chất lượng đào tạo các trình độ phù hợp với khu vực và quốc tế.
Xem toàn văn Chương trình hành động TẠI ĐÂY