Chủ trương, biện pháp góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT

Chủ trương, biện pháp góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT
IMG_2345.JPG
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu, tiếp thu ý kiến

(GD&TĐ) - Chiều nay (20/12), Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VCEFA) tổ chức họp báo công bố kết quả 2 hội thảo do Hiệp hội chủ trì tổ chức, nội dung về chủ trương và biện pháp góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và phát biểu tại buổi họp báo.

Chủ tịch VCEFA - ông Trần Xuân Nhĩ - cho biết: 2 hội thảo với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đã cùng trao đổi, thảo luận về 4 nhóm vấn đề chính.

Nhóm thứ nhất là vấn đề hệ thống giáo dục, phân ban, phân luồng. Nhóm thứ 2 là chương trình giáo dục phổ thông; kiểm tra, đánh giá, thi cử, tuyển sinh ĐH, CĐ; liên thông, liên kết. Nhóm thứ 3 về giáo viên, cán bộ quản lý và nguồn nhân lực cho giáo dục. Cuối cùng là vấn đề xã hội hóa, cung ứng những điều kiện tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục.

Các ý kiến đề xuất, giáo dục phổ thông nên làm 11 năm, trong đó 9 năm tiểu học và THCS và 2 năm THPT. Sau THPT sẽ phân thành 3 luồng là vào THPT để đào tạo tiếp lên ĐH, CĐ; vào trường TCCN và vào trường đào tạo nghề ngắn hạn.

"Nhà nước đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện để nuôi dạy sinh viên sư phạm theo chế độ nội trú, không chỉ dạy và học kiến thức, kỹ năng mà rèn cả nề nếp, đạo đức nghề giáo" - đề xuất tại hội thảo chủ trương và biện pháp góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT do VCEFA tổ chức.

Một số đề xuất cho rằng, các môn Triết học, Toán học, Ngoại ngữ và Âm nhạc cần được đưa vào giai đoạn rất sớm ở giáo dục phổ thông. Cùng với đó, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH và dạy nghề. Tập trung làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ 2014 làm cơ sở để tuyển sinh đại học...

Về liên thông, liên kết, các trường ĐH, CĐ được quyền liên kết đào tạo theo các chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định và chịu trách nhiệm về sản phẩm liên kết.  Bộ làm nhiệm vụ kiểm định chất lượng. Xây dựng cơ chế liên thông giữa các trường trung cấp, CĐ với các trường ĐH có cùng ngành đào tạo dựa trên cơ sở tích lũy kiến thức ở các bậc học.

Những ý kiến về giáo viên, cán bộ quản lý và nguồn nhân lực cho giáo dục tập trung đề xuất Nhà nước quản lý thống nhất hệ thống trường sư phạm và học viện quản lý giáo dục. Quy tụ các trường sư phạm, nghiên cứu để quy hoạch số lượng trường cụ thể. Nhà nước đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện để nuôi dạy sinh viên sư phạm theo chế độ nội trú, không chỉ dạy và học kiến thức, kỹ năng mà rèn cả nề nếp, đạo đức nghề giáo. Cùng với đó, đề nghị học sinh sư phạm không phải đóng học phí và có học bổng; đổi mới chương trình, chú trọng phương pháp dạy và thực hành trong các trường sư phạm...

Tán thành với Nghị quyết về chế độ đãi ngộ thích đáng và lương giáo viên, các đại biểu cũng cho rằng, phụ cấp thu hút giáo viên dạy vùng khó khăn nên bổ sung cả phụ cấp cho giáo viên là người địa phương.

Về xã hội hóa (XHH), Nhà nước cần đưa ra chuẩn chất lượng và có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động XHH, bao gồm cả việc thực hiện chính sách học phí, phụ phí, tránh lạm dụng XHH. Các chính sách và mô hình XHH phải đảm bảo công bằng trong tiếp cận, nhạy cảm (giới, văn hóa), đảm bảo chất lượng, hiệu suất tài chính cao, trao quyền (giáo viên, học viên, cán bộ nhà trường), quản trị tốt (có chia sẻ thông tin và có sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong quản lý). Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả các cơ sở giáo dục ngoài công lập: cung cấp đất, cho mượn vốn, học bổng cho học sinh nghèo...

Ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Sự nghiệp đổi mới giáo dục không phải chờ đến lúc nào đó mà thực sự đã làm.

Việc đào tạo đội ngũ giáo viên cũng vậy. Ngay khi chuẩn bị xây dựng Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ GD&ĐT với sự hỗ trợ từ nhiều phía đã tiến hành nhiều giải pháp đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên phổ thông, mầm non. Trong đó, có đánh giá, bồi dưỡng theo chuẩn, theo những phương pháp, mô hình tổ chức dạy học mới và đã làm được rất nhiều. Công tác chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới cũng đang dược chuẩn bị tích cực và Đề án sắp trình Chính phủ.

“Có thể nói, các công việc triển khai đổi mới giáo dục đã và đang được tiến hành hết sức nghiêm túc, tích cực” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ