Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả, thực học, thực nghiệp.
Đồng thời xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đã phân tích và làm rõ hơn về quan điểm chỉ đạo cũng như những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Theo Thứ trưởng, đổi mới không phải là những gì cao siêu, xa vời thực tiễn mà nó ở ngay ý thức của mỗi người. Đó có thể là thay đổi về tư duy học thêm càng nhiều càng tốt của không ít phụ huynh và học sinh, hoặc đó là có thể là từ bỏ thói quen “ đọc - chép” trong nhà trường như trước đây mà cần phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, sinh viên; hay đó có thể là chuyển đổi phương thức từ dạy nhiều, tự học ít như hiện nay sang dạy ít, tự học nhiều; Từ dạy số đông, cá nhân học sinh tự học sang hướng dẫn học sinh theo nhóm để cùng trao đổi, thảo luận…
Trên cơ sở đó, để Đề án được thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh HIển đề nghị: Không riêng ngành Giáo dục, Thanh Hóa cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội cùng vào cuộc, trong đó đội ngũ nhà giáo, những người làm trong ngành Giáo dục phải là lực lượng nòng cốt và cần chủ động, tiên phong gương mẫu.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông và quy hoạch, đào tạo nhân lực sư phạm.
9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục trong phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó, khẳng định, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo... |
Hải Phong