Chín nhánh sông Rồng

Chín nhánh sông Rồng

(GD&TĐ) - Ngay từ thời học tiểu học, tôi đã thuộc tên 9 cửa sông Cửu Long theo thứ tự từ Bắc xuống Nam: cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bassac, Trần Đề. 

Cửa Tiểu, cửa Đại là dễ hiểu nhất, cửa lớn, cửa nhỏ. Cửa Tiểu nằm trên đất Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Cửa Đại là ranh giới giữa huyện Tân Phú Đông với cù lao An Hóa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. 

Nhánh sông Ba Lai bắt đầu phía trên cầu Rạch Miễu nối TP Mỹ Tho qua Bến Tre, ranh giới giữa cù lao An Hóa và cù lao Bảo (cù lao Bảo có 4 đơn vị hành chính: huyện Châu Thành, TP Bến Tre, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri). Về cái tên Ba Lai, gắn với sông Ba Lai, cửa Ba Lai tới nay chưa có cách giải thích nào có tính thuyết phục. Cửa Ba Lai có con đập Ba Lai khánh thành vào 30.4.2002, xem như cửa này nước chảy một dòng, tàu bè không đi lại được. 

Hàm Luông là Hàm Long (hàm rồng, nhờ “kỵ húy” mà nhánh sông, cửa sông này không trùng với cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã ở Thanh Hóa ). Nhánh Hàm Luông làm ranh giới giữa cù lao Bảo với cù lao Minh (gồm 4 huyện của Bến Tre: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và 4 xã của Vĩnh Long). Trước đây, người Bến Tre có câu “Về Minh, qua Bảo” để nhớ tới một thời qua sông Hàm Luông gian khổ. Tôi có nhiều chuyến công tác về Thạnh Phú, nơi có bến 962 của Đoàn tàu không số thuộc 3 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh. Lịch sử vùng đất lửa ấy là những bãi bồi hình thành chưa quá một thế kỷ. Con sông Băng Cung chảy qua vùng này tách 3 xã thành cù lao, trước đây là bờ biển. Con tàu không số mắc cạn năm 1964, cách bờ biển 3 km giờ lại nằm ở trung tâm xã Thạnh Hải. Viết điều này để thấy đất liền tiến ra biển như thế nào trong 2 thế kỷ qua ở lưu vực ĐBSCL. Và chuyện thư tịch cổ không ghi tên các cửa sông, vì chưa có làm sao ghi?

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu

Nhánh sông Cổ Chiên từ cầu Mỹ Thuận đổ về phía TP Vĩnh Long. Huyền thoại kể lại rằng, có rất nhiều trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn trên nhánh sông này. Sau này Nhà Nguyễn lên ngôi, đêm đêm người dân vẫn còn nghe tiếng chiêng, trống vọng lên từ đáy sông nên đặt tên là Cổ Chiên. “Cổ” nghĩa là trống, “chiên” là do người Pháp viết sai chữ “chiêng”, tức cái chiêng. Gần cửa biển, cửa sông bị cù lao Long Hòa (Châu Thành, Trà Vinh) chận lại. Cửa sông phía huyện Thạnh Phú, Bến Tre gọi là Cổ Chiên, còn phía bên Trà Vinh, nơi có địa danh Cồn Ngao nổi tiếng gọi là cửa Cung Hầu. Tôi có dịp xin ý kiến nhà văn Sơn Nam lúc ông còn sinh tiền, được tôn xưng là “Ông Già Nam Bộ” về cái tên cửa Cung Hầu, ông cười: “…cửa Cung Hầu tức là Bãi Ngao (bãi biển có nhiều nghêu)”. Có thể các nhà hàng hải người nước ngoài đã viết tên Cồn Nghêu như thế này “Coonngheu” và người đời sau phiên âm lại là Cung Hầu. “Bãi ngao” là tên nhiều địa danh ở Bến Tre, Gò Công.

Sông Hậu 3 cửa, chỉ có cửa Định An nghe dễ hiểu. Trước 1975, Sông Hậu đổ ra biển 3 cửa: phía Trà Vinh có cửa Định An. Đây là cửa sông chính để tàu bè đi vào các cảng ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Những năm gần đây, luồng Định An bị phù sa bồi đắp nên cạn dần, hàng năm nạo vét rất tốn kém. Chính phủ đang có dự án mở rộng kinh Quan Chánh Bố để cho tàu biển đi vào thuận tiên. 

Còn Bassac (hay còn gọi là Ba Thắc), Trần Đề (hay Tranh Đề) nghe lạ lẫm. 

Bassac là tên mà người Campuchia gọi nhánh sông Hậu trước khi chảy vào địa phận Việt Nam. Các sách cổ như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí viết là Ba Thắc. Đồng bằng sông Cửu Long có một thời gọi gạo Sóc Trăng là gạo Ba Thắc, muối Sóc Trăng gọi là muối Ba Thắc. Năm 1867, Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ, tỉnh Vĩnh Long (trong Nam kỳ lục tỉnh) được chia thành 3 hạt (Inspection): Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Riêng khu vực huyện Trà Ôn và Bình Minh, Bình Tân ngày nay (hồi ấy gọi là Quận Trà Ôn) và khu vực thành phố Cần Thơ (tức Trấn Giang cũ) được sáp nhập thành Inspection Bassac, đặt dinh Tham biện tại Trà Ôn. Đến năm 1875 mới dời dinh Tham biện về Cần Thơ và đổi tên thành Inspection Cần Thơ, sau này là tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ. Vậy là cái tên cửa Bassac hay Ba Thắc cũng hiểu được… Cửa Bassac giờ ở đâu? Đã lâu lắm rồi ít nghe nhắc đến!

Dòng Ba Thắc (hay Bassac) trước 1975 chảy xuyên qua cù lao Dung thuộc huyện Long Phú, Sóc Trăng (nay là huyện Cù Lao Dung), nơi mà thời kháng chiến chống Pháp có bài hát “Du kích Long Phú” rất nổi tiếng với lời ca: “Ai về cù lao Dung, nhớ về Long Phú oai hùng…”. Bây giờ trở lại vùng đất cửa sông Ba Thắc xưa chỉ thấy một vạt bãi bồi nằm ngang cửa sông. Người dân nơi đây cho biết, cửa sông này không còn là cửa sông từ những năm 1970. Dòng sông Hậu có một nhánh đổ ra biển làm ranh giới giữa huyện Cù Lao Dung với huyện Long Phú chính là nhánh sông Trần Đề. Năm 2010, tỉnh Sóc Trăng lấy phần cuối của huyện Long Phú nhập với một phần của huyện Vĩnh Châu thành lập huyện Trần Đề. Cửa Trần Đề đổ ra biển ở đây. Trần Đề là tên một cửa biển, có bản đồ ghi là Tranh Đề và có nhiều cách giải thích chưa ngã ngũ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Trương Ngọc Tường, thời Nguyễn, vùng đất Cần Thơ ngày nay gọi là Trấn Giang, vùng đất Sóc Trăng gọi là Trấn Di. Trấn Di được người nước ngoài phiên âm là Tran De. Khi người Việt phiên âm lại cứ ghi Trần Đề cho dễ đọc, dễ nhớ. 

Ngày xuân kể chuyện chín nhánh sông Cửu Long, những người sống ở đất chín rồng nửa quen, nửa lạ. Người viết chỉ mong giới thiệu một chút về những điều lạ lẫm cho bạn bè lần đầu đến với sông nước Cửu Long.  

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.