Chile: Trừng phạt hành động lạm dụng vũ lực trong trấn áp biểu tình

GD&TĐ - Ngày 26/11, Tổng thống Pinera yêu cầu các nhà lập pháp cho phép quân đội hoạt động trên các tuyến phố chính, nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng công cộng và sự an toàn cho người dân.

Cảnh sát Chile bị cáo buộc gây thương tích cho người biểu tình
Cảnh sát Chile bị cáo buộc gây thương tích cho người biểu tình

Lạm dụng vũ lực trong trấn áp biểu tình

Các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp tại Chile nhằm phản đối tình trạng bất bình đẳng và sự xuống cấp của các dịch vụ xã hội đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, hàng nghìn cảnh sát cũng như người dân bị thương.

Các cuộc biểu tình cũng là nguyên nhân gây hư hại nặng nề hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô nước này và khiến các doanh nghiệp tư nhân thiệt hại hàng tỷ USD.

Thế nên, Tổng thống Sebastian Pinera đã đưa ra một dự luật tới Quốc hội nước này, cho phép lực lượng quân đội bảo vệ nghiêm ngặt các đường dây điện, nhà máy điện, sân bay, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng công cộng khác, nhằm bảo đảm các dịch vụ cơ bản.

Lý giải cho động thái này, Tổng thống Pinera khẳng định, quyết định của ông sẽ giúp lực lượng an ninh, quân đội luôn sẵn sàng trong việc bảo vệ an toàn cho công dân Chile.

Thông báo của Tổng thống Chile được đưa ra ngay sau khi có nhiều báo cáo cho rằng, đã xảy ra tình trạng sử dụng vũ lực thái quá cũng như các hành vi ngược đãi và các quyền của người dân không được tôn trọng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình gần đây, Tổng thống Pinera cho rằng, đã xảy ra tình trạng sử dụng vũ lực thái quá cũng như các hành vi ngược đãi và các quyền của người dân đã không được tôn trọng. Tổng thống Chile cũng tuyên bố sẽ trừng phạt những hành vi sai phạm.

Chính phủ vào cuộc

Các quan chức cảnh sát cấp cao Chile đã được cảnh báo về “rủi ro lớn” khi sử dụng đạn cao su trong những tình huống nhằm kiểm soát đám đông. Nhưng dường như nhiều chỉ huy cảnh sát không quan tâm đến điều đó.

Một số sĩ quan cảnh sát cho rằng, loại đạn mà họ sử dụng không thể xuyên qua quần áo ngay cả khi ở cự ly gần. Đồng thời cho biết, loại đạn này không thể có khả năng gây thương tích nghiêm trọng cho mắt.

Trước cuộc khủng hoảng kéo dài, nhiều ý kiến cho rằng, chính phủ Chile cần yêu cầu lực lượng cảnh sát thay đổi các biện pháp trấn áp người biểu tình. Kêu gọi các nhà chức trách chịu trách nhiệm để giải quyết các cáo buộc lạm dụng.

Trước những lời buộc tội cảnh sát lạm dụng và bạo lực người biểu tình, các nhà chức trách Chile tuyên bố, bất cứ trường hợp nào bị cáo buộc cũng sẽ bị tòa án dân sự điều tra.

Mới đây, các công tố viên cho biết đang xem xét 2.670 khiếu nại của người biểu tình bị lạm dụng bởi lực lượng an ninh. Trong số những cáo buộc này, có tới 2.052 khiếu nại chống lại cảnh sát.

“Chúng tôi nhận ra giá trị của báo cáo cũng như các khuyến nghị được đề xuất tới chúng tôi. Những phát hiện này khiến chúng tôi bận tâm và tất nhiên, giúp chúng tôi cảm nhận được nỗi đau”, bà Lorena Recabarren - Bộ trưởng chịu trách nhiệm về nhân quyền Chile khẳng định.

Bên cạnh việc điều tra, chính phủ Chile thông báo đã yêu cầu Chỉ huy Cảnh sát Chile Mario Rozas có báo cáo về những cáo buộc khẳng định, các sĩ quan không tuân theo mệnh lệnh trong việc sử dụng vũ lực.

“Báo cáo này phải bao gồm các đề xuất cùng với những biện pháp khắc phục... và phải được gửi trong vòng một tuần”, bà Lorena Recabarren cho biết thêm. Được biết, do số lượng thương tích và áp lực cao từ các nhóm nhân đạo, mới đây, cảnh sát tuyên bố sẽ ngừng sử dụng những loại vũ khí gây nguy hiểm.

Chile đã rơi vào khủng hoảng xã hội nghiêm trọng từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.

Các cuộc biểu tình đã buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, phong trào biểu tình đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Tổng thống Pinera đã công bố một loạt biện pháp nhằm siết lại an ninh trật tự công cộng. Gói văn bản luật nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực và lợi dụng biểu tình để cướp bóc, trục lợi này bao gồm cả những biện pháp cụ thể như cấm người biểu tình mang mạng che mặt và đốt chướng ngại vật, cũng như cung cấp sự bảo vệ lớn hơn cho cảnh sát.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Chile đã khiến nước này phải rút lại việc đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2019 và Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25).

Nhằm xoa dịu tình hình, đầu tháng 11 này, chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera đã tiến hành cải tổ và công bố một loạt biện pháp, trong đó có luật bảo đảm mức lương tối thiểu 467 USD/tháng.

Đồng thời Quốc hội Chile đã bỏ phiếu thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 4/2020 nhằm thay thế bản Hiến pháp cũ, đáp ứng đòi hỏi chính của người biểu tình.

Hiến pháp hiện hành, được chính quyền quân sự của cựu Tổng thống Augusto Pinochet ban hành và có hiệu lực từ năm 1980, đã trải qua nhiều lần sửa đổi.

Tuy nhiên, văn kiện này vẫn không quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ về giáo dục và y tế - hai đòi hỏi của hàng triệu người dân Chile xuống đường tuần hành thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ