Đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn
Cuối tuần qua, người dân Bolivia phải xếp hàng dài trên đường phố La Paz để mua thực phẩm khi những người ủng hộ ông Evo Morales chặn đường cao tốc, cô lập trung tâm dân cư khỏi các trang trại. Chính quyền Tổng thống lâm thời Jeanine Anez đã thiết lập một “cây cầu trên không”, sử dụng máy bay vượt qua các chướng ngại vật để cung cấp hàng hóa cho La Paz.
Sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức, những người ủng hộ ông đã đổ xuống đường mang theo súng tự chế, lựu đạn, rào chắn đường và đụng độ với lực lượng an ninh. Những người này cũng yêu cầu Tổng thống lâm thời Jeanine Anez từ chức. Trước tình hình này, nhiên liệu tại Bolivia ngày càng trở nên khan hiếm. Nhiều gia đình ở các khu dân cư nghèo tại La Paz phải nấu ăn bằng củi.
“Tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Chúng tôi không mua được thực phẩm và xăng dầu”, ông Josue Pillco, một công nhân xây dựng tại La Paz cho biết. Các nhà lãnh đạo cộng đồng ủng hộ ông Morales tại El Alto cũng đã kêu gọi một cuộc tổng đình công, gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng ở thủ đô.
Ngày 17/11, Venezuela thông báo đã rút toàn bộ phái đoàn ngoại giao của mình tại La Paz về nước, sau khi Chính phủ lâm thời Bolivia cắt đứt quan hệ với Caracas, công nhận tổng thống tự xưng Juan Guaidó và tuyên bố các cán bộ ngoại giao của Venezuela tại Bolivia là những người “không được chào đón”.
Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và nông dân trồng coca trung thành với cựu Tổng thống Evo Morales đã khiến 9 người thiệt mạng, 100 người bị thương. Một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 15/11 tại thành phố Cochabamba, khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn thật vào những người dân địa phương ủng hộ ông Evo Morales.
Bà Jeanine Anez đổ lỗi cho Morales vì kích động bạo lực từ nước ngoài, khẳng định chính quyền của bà muốn gặp phe đối lập và tổ chức bầu cử để chấm dứt biểu tình. Trong khi đó, ông Morales cáo buộc chính quyền của bà Anez đàn áp người dân tộc bản địa.
Được biết, ông Jean Arnault, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ, đã gặp Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez để tìm cách giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Ông Jean Arnault cho biết sẽ tổ chức cuộc họp với các chính trị gia và nhóm xã hội trong tuần này nhằm chấm dứt bạo lực, thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, minh bạch.
Đại sứ Liên minh châu Âu tại Bolivia, ông Leon de la Torre cũng đã có cuộc gặp với bà Anez. Ông Leon de la Torre tuyên bố, EU sẽ hỗ trợ Bolivia trong suốt “thời gian chuyển đổi” và làm việc để bảo đảm “các cuộc bầu cử đáng tin cậy theo tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất”.
Trước đó, các quốc gia Mỹ, Brazil, Colombia, Anh và Đức cũng đã công nhận chính phủ lâm thời của bà Jeanine Anez.
Tổ chức cuộc bầu cử mới
Phát biểu với truyền thông, Tổng thống lâm thời của Bolivia, bà Jeanine Anez tuyên bố, cựu Tổng thống Morales sẽ không được chào đón với vai trò là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Sự sụp đổ của nhà lãnh đạo tại quốc gia Mỹ - Latinh này đã trở thành nguyên nhân khiến làn sóng bất ổn trong khu vực ngày càng tăng cao, bao gồm cả hai quốc gia lân cận là Ecuador và Chile - nơi những người biểu tình chỉ trích các nhà lãnh đạo về việc tạo ra bất bình đẳng xã hội.
Sau khi từ chức, ông Evo Morales đã tổ chức các cuộc đàm phán với những nhà lãnh đạo phe đối lập và cho rằng, điều cần thiết ở hiện tại là bảo đảm cho sự ra đời của bộ máy chính phủ mới vào tháng 1 tới, trong khung thời gian được quy định bởi hiến pháp.
Theo hiến pháp Bolivia, một cuộc bầu cử mới cần diễn ra trong 90 ngày kể từ khi chính quyền đương nhiệm từ chức, trong khi đó, phe đối lập có thể muốn bầu cử mới diễn ra sớm hơn. “Đó là lý do tại sao đảng cánh tả và cánh hữu đều rất quan trọng”, cựu Tổng thống Morales chia sẻ; đồng thời khẳng định không hề biết ai sẽ là ứng cử viên của đảng do ông từng lãnh đạo.
Evo Morales, Tổng thống bản địa đầu tiên của Bolivia từng được ngưỡng mộ bởi ông đưa Bolivia trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh và ổn định. Ông cũng có những chương trình phúc lợi xã hội, giúp hàng triệu người dân nước này thoát nghèo và còn là người lên tiếng bênh vực những người phải chịu nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong nhiều thế kỷ.
Nhưng theo thời gian, khi nền kinh tế đi xuống do nhiều yếu tố, Evo Morales dần làm mất lòng những người ủng hộ từng ca ngợi ông như người hùng. Chia sẻ với hãng tin Reuters, ông Evo Morales cho biết: “Mỹ đã gọi cho Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia và đề nghị gửi máy bay để đưa chúng tôi đến nơi chúng tôi muốn”.
Tổng thống lâm thời của Bolivia cho biết, ông Evo Morales được chào đón trở về nhà, nhưng sẽ phải đối mặt với các cáo buộc gian lận bầu cử và không được miễn điều tra. Tuy nhiên, ông Evo Morales hoàn toàn phủ nhận những lời buộc tội này.