Chiêu trò "ma quái" của cựu trụ trì chùa ở Vĩnh Long để lừa hơn 67 tỷ đồng

GD&TĐ - Lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, Phạm Văn Cung đã vay mượn tiền, cùng đồng bọn dựng chuyện bị bắt cóc để chiếm đoạt của nhiều bị hại với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Phạm Văn Cung tại phiên xét xử sáng nay. Ảnh: Hữu Lễ.
Phạm Văn Cung tại phiên xét xử sáng nay. Ảnh: Hữu Lễ.

Ngày 13/4, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi, trú tại huyện Tam Bình, Vĩnh Long) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, làm nghề xe ôm) trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng.

Theo nội dung cáo trạng, Phạm Văn Cung là tu sĩ tại chùa Phước Quang (địa chỉ tại thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) từ năm 2005 và lấy pháp danh là Thích Phước Ngọc. Tháng 9/2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Phước Quang.

Năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép thành lập Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi. Tháng 11/2012, Trung tâm này được đưa vào hoạt động, Cung được giao nhiệm vụ làm giám đốc.

Thời gian tu tại chùa, Cung quen biết, thường xuyên liên lạc với Khoa khi người này đến dự các lễ chùa. Sau đó Cung bổ nhiệm Khoa làm thư ký giúp việc.

Đến tháng 9/2018, Cung bổ nhiệm Huỳnh Khắc Duy (37 tuổi, trú tại phường 2, TP. Vĩnh Long) làm kế toán trưởng của Trung tâm và đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chuyển đến.

Trong quá trình làm việc tại chùa Phước Quang và Giám đốc Trung tâm Suối nguồn tình thương, Cung đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện có thật hoặc không có thật để tạo uy tín cho bản thân.

Phạm Văn Cung tại phiên xét xử sáng nay. Ảnh: Hữu Lễ.
Phạm Văn Cung tại phiên xét xử sáng nay. Ảnh: Hữu Lễ.

Đáng chú ý, Cung còn giới thiệu có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở trung ương, làm các video về hoạt động từ thiện của chùa và trung tâm để đưa lên mạng xã hội nhằm quảng bá, tạo lòng tin cho nhiều người.

Cụ thể vào năm 2015, Cung dùng thủ đoạn như xây chùa, xây trung tâm cô nhi viện và tượng phật, thậm chí dựng chuyện mình thiếu nợ, bị bắt cóc đưa sang Trung Quốc không cho về Việt Nam để lừa đảo một nữ doanh nhân ngụ TP. Hồ Chí Minh số tiền hơn 18,5 tỷ đồng.

Năm 2017, Cung chủ động làm quen với một phật tử tại Hà Nội. Sau đó, Cung mời người này đến tham quan chùa Phước Quang và trung tâm suối nguồn. Thấy người phụ nữ này tin tưởng, Cung dùng số điện thoại nhắn tin dựng chuyện rằng mình và các trẻ mồ côi tại trung tâm cô nhi viện bị bắt cóc nhốt trên xe tải đòi tiền chuộc.

Cung đã kêu Khoa soạn tin nhắn, dựng hiện trường giả vụ bắt cóc gửi cho một nữ phật tử ở Hà Nội để lừa người này chuyển tiền vào tài khoản cho Cung. Đồng thời mang đến đưa tiền mặt cho Khoa và tài xế của Cung tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cung còn "nổ" mình “Đặc phái viên Quốc tế của Ủy ban Tuyên dương khen thuởng Phật giáo của Chính phủ SriLanka” và mời một người phụ nữ ở tỉnh Hưng Yên đến tham quan chùa Phước Quang. Khi thấy nạn nhân tin tưởng, Cung đã tung tin mình bị bệnh, hoặc đang gánh nợ thay phật tử, cho dì ruột, cho em... để lừa và chiếm đoạt của người này với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cung còn "nổ" mình là “mật vụ, tình báo của Chính phủ thường đi nước ngoài để hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo rất nhạy cảm; có mối quan hệ quen biết nhiều quan chức cấp cao ở trung ương, Chính phủ, Bộ ngoại giao” và hứa sẽ giúp một Việt kiều Anh quốc về nước sống hợp pháp.

Với thủ đoạn này, Cung đã lừa của một phụ nữ hơn 13 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Cung đã lừa đảo, chiếm đoạt được là hơn 67 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.