Điều đó phụ thuộc và cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của nhiều yếu tố. Tuy nhiên có một khoảng trống mà chúng ta ít nhắc tới trong câu chuyện giáo dục học sinh là vai trò, cách xử sự của phụ huynh đối với con em mình và đối với các thầy cô giáo.
* * *
P là học sinh một trường THPT ở thành phố. Lực học trung bình. Tiết học môn Địa lý, rất nhiều lần không chép bài, cô giáo gọi lên kiểm tra bài cũ thì P trả lời cộc lốc là “em không học bài”. Cô V đã không ít lần nhẹ nhàng nhắc nhở, động viên, khuyên nhủ em. Nhưng chứng nào tật nấy, P vẫn ngoan cố.
Cô V xin số điện thoại từ giáo viên chủ nhiệm để mời phụ huynh của P đến trao đổi việc học của em. Bố của P đến không đúng giờ hẹn, đi thẳng lên lớp của cậu con trai, khi cô giáo dạy Địa lý đang đứng trên bục giảng. Đứng ngoài cửa lớp, bố P dùng những lời lẽ khó nghe để nói với cô giáo trước ánh mắt ngơ ngác, tò mò của hàng chục học sinh.
Lấy lại bình tĩnh, cô V xin mời vị phụ huynh vào trước lớp, cô giáo hỏi cả lớp chuyện bạn P không chép bài, không học bài nhiều lần có đúng sự thật không. Cả lớp đồng thanh trả lời: “Dạ đúng”. Bố P không nói thêm một lời, nét mặt vẫn còn giận dữ và đùng đùng bỏ ra về.
Cũng là cách xử sự của phụ huynh nhưng câu chuyện mà thầy K kể cho tôi nghe lại diễn ra ở trường huyện. Thầy K dạy ở một trường THPT ở vùng quê thấp trũng. Làm công tác chủ nhiệm lớp 11 ở trường học nơi miền quê nghèo thật lắm vất vả, từ chuyện thu các khoản đóng góp cho đến việc làm sao để các em đến lớp chuyên cần, không bỏ học giữa chừng...
Có một câu chuyện về cậu học trò H làm thầy K nhớ mãi. Vào học 2 tuần đầu năm, H vắng không có lý do đến 3 buổi. Liên hệ qua số điện thoại không được, thầy K tìm về nhà H để tìm hiểu thêm nguyên nhân.
Mẹ H tiếp thầy K với một thái độ không chút mặn mà. Khi nghe thầy K nói về những lần vắng học không phép của H, chị vẫn thản nhiên và nói với thầy K, “tui suốt ngày làm ngoài ruộng biết chi mô, nó học thì học, không học ở nhà làm ruộng mà ăn. Mọi chuyện thầy cứ tự coi răng đó mà giải quyết”. Nói rồi, chị đứng dậy đi lui sau vườn cho lợn ăn, thầy K chẳng biết nói thêm câu gì đành lặng lẽ ra về.
Khác với hoàn cảnh kinh tế của gia đình H, ba của Giao là chủ của một doanh nghiệp giàu có, là “mạnh thường quân” số một của trường Giao đang học. Giao là cô bé sống hòa đồng, vui vẻ với bạn bè nhưng khổ một nỗi rất nhác học. Nhiều giáo viên phản ánh với cô giáo chủ nhiệm lớp Giao về ý thức học bài, làm bài.
Cũng đã nhiều lần, cô chủ nhiệm nhắc nhở, động viên em chăm chú vào sách vở. Học kì I năm lớp 9, trong lần kiểm tra 1 tiết môn Sinh, Giao không nghiêm túc, nhiều lần hỏi bài, nhìn bài của bạn, giáo viên bộ môn phát hiện và ghi tên vào sổ đầu bài. Giờ bình bầu hạnh kiểm, để công bằng như một số học sinh khác, cô chủ nhiệm xếp Giao loại khá.
Thông tin này đến tai Ban giám hiệu, thầy hiệu trưởng gặp và trao đổi với cô chủ nhiệm, nhưng vì đã công bố trước lớp, vả lại để giữ công bằng và để khỏi khó ăn khó nói trước lớp, cô chủ nhiệm vẫn quyết định xếp Giao loại khá. Thật bất ngờ, ngay trưa đó, cô chủ nhiệm nhận được tin nhắn từ phụ huynh của Giao với lời lẽ không mấy dễ nghe.
* * *
Để giáo dục con em trở thành người tốt thật không đơn giản. Điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Làm giáo viên, không phải ai cũng có cách ứng xử sư phạm vừa thấu tình, vừa đạt lý. Chúng ta phê phán nhiều thầy, cô giáo có những cách hành xử thiếu chuẩn mực. Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong giáo giới.
Đã chọn ngành giáo thì ai cũng phải có cái tâm trong sáng, sau trang giáo án là bao nỗi niềm trăn trở... Thiết nghĩ, phụ huynh trước khi tỏ ra bức xúc, giận dỗi thầy, cô giáo thì phải tìm hiểu thật kĩ những gì con nói, cô giáo nói.
Cũng xin đừng vì sự lấm lem công việc mà khoán trắng cho nhà trường. Cũng xin quý vị nào vinh dự nằm trong Hội cha mẹ học sinh của trường, hay có nhiều đóng góp vật chất cho trường, làm chức này, danh nọ... đừng gieo vào trong đầu con trẻ sự ỷ lại... đẩy thầy cô vào tình thế khó xử.
Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương mẫu mực, thiết nghĩ mỗi phụ huynh cũng phải là một tấm gương mẫu mực để cùng phối hợp giáo dục các em trở thành công dân mẫu mực sau này...
Xã hội phát triển, trong nhịp sống sôi động hôm nay, việc giáo dục thế hệ trẻ đang đặt ra nhiều thách thức. Hiện nay, đại đa số gia đình có từ 1 đến 2 con, do đó có không ít bậc cha mẹ học sinh lo lắng, chăm sóc, chiều chuộng con cái quá mức, thậm chí luôn đáp ứng những đòi hỏi vô lý của con.
Các em hiển nhiên được cung phụng, chăm chút từng ly, từng tý. Vì thế dễ sinh ra thói quen ỷ lại, dựa dẫm, coi mình là số một. Một lời nói hay hành động của thầy cô mà các em cho là bị xúc phạm sẵn sàng phản ứng gay gắt, rồi phụ huynh chưa rõ thực hư thế nào lại đỗ lỗi cho nhà trường.
Trước công cuộc chấn hưng giáo dục, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đòi hỏi nhà trường phải tích cực đổi mới thì giáo dục gia đình càng cần đổi mới tích cực hơn nữa.
Thiết nghĩ gia đình và nhà trường phải thiết lập được sợi dây liên lạc kịp thời, bền vững nhất, cần có tiếng nói chung để hợp tác, thống nhất trong giáo dục thế hệ trẻ.
Bởi lẽ nói như TS Tâm lý học Đinh Phương Duy: “Nhà trường thân thiện phải bắt đầu từ hình ảnh tài ba mẫu mực, bản lĩnh và đầy nhân ái của người thầy. Bên cạnh đó suốt đời không thể thiếu mái ấm gia đình yêu thương. Gia đình - “lô cốt” an toàn, bền vững nhất khi trẻ mới chào đời và cũng là thành trì cuối cùng vững lòng nhất, sẵn sàng đón nhận mọi đứa con chẳng may sa ngã trở về...”.