Mặc dù nội dung này đã và đang là một đoạn chiếm một thang điểm nhất định theo hướng dẫn chấm, nhưng thực trạng trên cho thấy học sinh, có lẽ không chỉ ở trường THPT Tháp Mười, đã và đang làm mất đi điểm của phần đánh giá.
Cách viết đoạn văn đánh giá chung
Để viết được đoạn đánh giá chung, theo cô Lê Thị Phượng, trước hết học sinh cần hiểu được cách làm, cụ thể là đánh giá của người viết về cái hay, dở, đúng, sai của vấn đề được nghị luận. Nếu hay thì vì sao, dở thì vì sao, nói ra lí do có tính thuyết phục (dựa vào nội dung và nghệ thuật tiêu biểu). Sau đó, nêu tác dụng, vai trò của vấn đề nghị luận đối với vị trí của tác phẩm, tác giả; đối với nhận thức của người đọc.
Tùy theo mỗi dạng đề (phân tích tác phẩm; phân tích đoạn văn, đoạn thơ; phân tích nhân vật văn học, ....) mà có những đánh giá chung cho phù hợp.
Lưu ý: Nếu là những tác phẩm đang được học trong nhà trường, thì đó chính là những tác phẩm làm nên tên tuổi của tác giả. Nên khi đánh giá chung là tìm ra cái hay để khẳng định sự thành công của tác phẩm, tác giả. Đó chính là nhiệm vụ của học sinh trong bài văn nghị luận văn học.
Giáo viên lưu ý dạy thực hành nội dung đánh giá chung
Cô Lê Thị Phượng cho rằng, giáo viên phải cho học sinh thấy được đoạn đánh giá chung là một mắt xích quan trọng, góp phần không nhỏ giúp cho bài nghị luận thêm sâu sắc, toàn diện hơn, để từ đó bày tỏ quan điểm, nhận định của người viết về giá trị của tác phẩm, đóng góp của tác giả qua tác phẩm cho nền văn học nước nhà và cả thế giới.
Từ đó, cung cấp cái nhìn thấu đáo cho người đọc về tác giả, tác phẩm mà mình đang nghị luận (giáo viên dẫn ra những bài minh họa để học sinh được thị phạm).Vì thế nó chiếm một thang điểm nhất định, không viết hoặc viết chung chung sẽ mất điểm.
Giáo viên cũng cần lưu ý nội dung thực hành với các bước: Hướng dẫn học sinh làm bài; sửa bài cho học sinh; giao bài tập rèn luyện thường xuyên về nhà.
“Giáo viên phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần và phải cho những mẫu đoạn đánh giá chung để học sinh hình dung và tập làm theo (tính thị phạm). Đồng thời, các thầy cô phải giao bài thường xuyên cho học sinh làm ở nhà để các em được rèn luyện.
Khi học sinh viết xong, giáo viên chấm kĩ và sửa lỗi, chỉ ra những điểm đã được và chưa được yêu cầu học sinh phát huy và khắc phục, tránh viết nhận xét chung chung. Giáo viên cần dành thời gian và tâm huyết cho việc này” – cô Lê Thị Phượng lưu ý.
Ví dụ minh họa
Cô Lê Thị Phượng minh họa những chia sẻ của mình bằng một dạng đề cụ thể, từ đó góp phần định hướng, làm cơ sở cho những dạng đề khác:
Ví dụ, đánh giá một đoạn thơ (đoạn văn), các bước thực hiện như sau:
Các bước | Dàn ý chung |
Bước 1 | Đánh giá đoạn thơ ấy hay hoặc dở ở chỗ nào(nếu hay thì nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì?) |
Bước 2 | Vì sao (Cái hay, cái độc đáo được toát nên bởi nội dung như thế nào, nhờ những phương diện nghệ thuật nào?) |
Bước 3 | Tác dụng: Khẳng định vai trò đóng góp của đoạn thơ đối với sự thành công của tác phẩm, tác giả, đối với nền văn học dân tộc, đối với cuộc sống... (Tùy từng trường hợp cụ thể) |
Về dạy thực hành, ví dụ phân tích đoạn thơ trong bài Từ ấy của Tố Hữu:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ
Bài mẫu của Giáo viên : (Trích tài liệu giảng dạy)
Cấu trúc | Bài làm gợi ý | |
Đánh giá đoạn thơ hay hoặc dở | Như vậy, kết thúc bài thơ, nhà thơ Tố Hữu đã có một đoạn thơ gây nhiều ấn tượng, tiêu biểu đặc sắc. | |
Vì sao | Bởi vì, ở đó ta thấy được quan niệm về lí tưởng cộng sản của nhà thơ được thể hiện rõ hơn nhờ các thủ pháp nghệ thuật như: Điệp cấu trúc câu, kết hợp với động từ mạnh cùng những từ láy, lại thêm giọng vui tươi, dứt khoát, hào hứng ...Tất cả cho ta thấy được người chiến sĩ trẻ hoàn toàn tin tưởng vào con đường mình đã chọn với thái độ quyết tâm và dứt khoát. | |
Tác dụng | Đối với tác phẩm | Vì thế, đây là một đoạn thơ hay, làm sự nên thành công của tác phẩm. |
Đối với tác giả | Nó khẳng định tên tuổi của tác giả đối với nền văn học dân tộc. | |
Đối với cuộc sống | Đồng thời đã làm thức tỉnh, cổ vũ tinh thần yêu nước, gắn bó với Đảng của các thế hệ thanh niên mọi thời đại... |
Bài làm của học sinh 11:
Cấu trúc | Bài làm |
Đánh giá đoạn thơ hay hoặc dở | Đây là một bài thơ đánh dấu sự thành công của Tố Hữu ở mảng thơ cách mạng. Trong đó không thể thiếu sự đóng góp của đoạn thơ cuối. |
Vì sao | Bởi vì, Tố Hữu đã thể hiện niềm hãnh diện khi được là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình những người nghèo khổ bất hạnh. Nhờ điệp từ “là”, “củavạn” được nhắc đi nhắc lại, nó vang lên một âm hưởng mạnh mẽ lắng đọng trong tâm hồn ta một niềm cảm phục, quý mến người trai trẻ yêu đời, yêu người này. |
Tác dụng | Tất cả đã làm nên tên tuổi của tác giả, góp vào kho tàng văn học Việt Nam một lời cổ vũ cho phong trào yêu nước. |
Nhận xét của Giáo viên: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu đoạn đánh giá chung. Có cấu trúc đúng (có sự linh hoạt) . Tuy nhiên phần nghệ thuật chưa nêu biện pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng thành công.
Ví dụ: Phân tích chín câu thơ cuối của bài thơ “Vội vàng”(Xuân Diệu)( từ “Ta muốn...ngươi”)
Bài làm của học sinh 11:
Cấu trúc | Bài làm gợi ý |
Đánh giá đoạn thơ hay hoặc dở | Thật đặc biệt khi kết thúc bài thơ, nhà thơ đã có một đoạn thơ gây nhiều ấn tượng, tiêu biểu và đặc sắc nhất. |
Vì sao | Bởi vì, thông điệp mà Xuân Diệu gởi gắm: “Hãy trân trọng tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ” hẳn đều chất chứa trong đoạn này, nhờ các thủ pháp nghệ thuật như: Điệp ngữ, giọng thơ sôi nổi cùng thể thơ không gò bó ... |
Tác dụng | Tất cả thổi một luồng gió làm thức tỉnh nhận thức, thay đổi lối sống của thế hệ trẻ về giá trị của thời gian, giới hạn của đời người để biết trân quý những gì mình đang có. Vì thế có thể khẳng định đây là một đoạn thơ hay, làm nên sự thành công của tác phẩm, từ đó in dấu tên tuổi của tác giả trong dòng văn học dân tộc - “Một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” |
Nhận xét của Giáo viên: Đánh giá chung đạt, đáp ứng được yêu cầu. Có cấu trúc đúng, đồng thời biết linh hoạt, sáng tạo làm cho phần đánh giá chung không chỉ đạt mà còn rất sâu sắc .
Cô Lê Thị Phượng cho biết mình đã áp dụng những biện pháp trên trong các giờ trả bài viết số 5, 6 và 5 phút mỗi tiết/tuần; đồng thời dạy phụ đạo thường xuyên vào một ngày chủ nhật/tháng. Kết quả đem lại rất khả quan.
“Có thể nói các biện pháp nêu trên không khó để có thể áp dụng đại trà cho tất cả học sinh bất kì ở đâu, miễn là giáo viên phải có nhiệt tình và lòng kiên trì giúp các em học sinh luyện tập, nhất là trong các giờ phụ đạo dành cho học sinh yếu” – cô Phượng chia sẻ.