“Chiêu” ghi nhớ địa danh trong dạy học lịch sử

GD&TĐ - Địa danh là một trong ba yếu tố cơ bản hình thành nên sự kiện lịch sử. Nguồn kiến thức phong phú về địa danh sẽ đảm bảo tính cụ thể, hệ thống, toàn diện của sự kiện, góp phần tạo biểu tượng, hình thành khái niệm lịch sử cho học sinh.

“Chiêu” ghi nhớ địa danh trong dạy học lịch sử

Xuất phát từ tâm lý của học sinh THPT, từ yêu cầu của cấp học, môn học và mục tiêu giáo dục, đào tạo đề ra, ngoài cung cấp cho học sinh kiến thức về thời gian, nhân vật… việc cung cấp những kiến thức về địa lý là điều vô cùng quan trọng và cần thiết; góp phần tăng tính hình ảnh, sinh động và cụ thể trong dạy học lịch sử, tạo cho học sinh những xúc cảm, góp phần nâng cao hiệu quả của bài học lịch sử.

Nhận định được tầm quan trọng của viịec này, cô Nguyễn Thu Nga - giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) – đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp học sinh ghi nhớ biểu tượng về địa danh khi dạy học lịch sử Việt Nam.

Chọn kiến thức tiêu biểu

Để nâng cao chất lượng bài học, việc lựa chọn các kiến thức cơ bản của một bài học lịch sử để truyền tải cho học sinh, giúp học sinh nắm vững kiến thức là rất cần thiết. Những kiến thức cơ bản của một bài học lịch sử bao gồm: Sự kiện, hiện tượng, địa danh, nhân vật lịch sử…

Trong đó, mỗi sự kiện, hiện tượng đều gắn với một hay vài địa danh nhất định. Việc cung cấp những kiến thức về địa danh góp phần rất lớn trong việc giúp học sinh nắm kiến thức cơ bản nhanh và chắc.

Tuy nhiên, giáo viên không thể cung cấp toàn bộ kiến thức về địa danh đó mà phải chọn những kiến thức tiêu biểu làm rõ nét về địa danh.

Ví dụ, trong mục II.2 bài 16 “Thời Bắc thuộc và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc” (Lịch sử lớp 10 - Ban Cơ bản), khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra trên địa bàn rộng với nhiều có rất nhiều địa điểm: Hát Môn, Mê Linh, Cổ Loa, Luy Lâu, Lãng Bạc, Hạ Lôi, Cấm Khê, Cửu Chân. 

Khi dạy học, giáo viên nên chọn lọc các địa danh gắn với những sự kiện cơ bản: Khởi nghĩa bùng nổ, lên tới đỉnh cao và bị dập tắt như: Hát Môn, Mê Linh, Cấm Khê.

Việc lựa chọn địa danh với những kiến thức lịch sử cơ bản sẽ giúp học sinh vừa nắm được sự kiện cơ bản của bài, giáo viên chủ động được thời gian, hiệu quả của bài học được nâng cao.

Cập nhật thường xuyên

Trong quá trình giảng dạy, nếu bài học có sự kiện lịch sử liên quan đến những địa danh cơ bản, quan trọng, giáo viên cần cập nhật thông tin khoa học thường xuyên, để có những kiến thức về địa danh ngày càng phong phú, khoa học hơn. Bởi vì, qua năm tháng, tên địa danh lịch sử có trước đây có thể bị thay đổi, đổi tên, hoặc sáp nhập vào tỉnh khác.

Ví như, khi dạy mục II bài 19 “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X – XV”, giáo viên cần cho học sinh hiểu rằng những địa danh diễn ra các chiến thắng lớn của vua tôi nhà Trần với quân xâm lược Nguyên - Mông trước đây đến nay đã có sự thay đổi: Đông Bộ Đầu nay thuộc Ba Đình (Hà Nội); Hàm Tử, Chương Dương nay thuộc, Thường Tín (Hà Nội); Vạn Kiếp nay thuộc Chí Linh (Hải Dương).

Không được “hiện đại hóa” địa danh

Mỗi một sự kiện, hiện tượng lịch sử cụ thể luôn gắn liền với thời gian, địa điểm và nhân vật lịch sử nhất định. Nhưng thời gian trôi qua cũng sẽ làm cho địa danh thay đổi tên gọi hoặc biến mất, có thể không tìm lại được nữa.

Nên khi giảng dạy, đòi hỏi giáo viên phải cho học sinh thấy rõ được sự thay đổi địa danh đó. Ví như, khi giảng dạy mục 1 bài 21 “Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thế kỉ XVI - XVIII”, giáo viên cần giúp học sinh nắm được nét chính về thành nhà Mạc (còn gọi là thành Quốc công). Thành nhà Mạc triệt để lợi dụng địa hình tự nhiên như hai sườn núi để tạo nên tuyến phòng thủ kiên cố.

Hiện nay thành nhà Mạc còn có một số di tích ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Kênh hình “Di tích thành nhà Mạc (Lạng Sơn)” trong sách giáo khoa là một phần di tích ở chân núi Tô Thị - Vọng Phu, gần thành phố Lạng Sơn ngày nay.

Cùng với việc chú ý đến mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại thì khi giảng dạy, giáo viên cũng giúp học sinh tránh được căn bệnh “hiện đại hóa” lịch sử. Tức là phải đặt các địa danh đó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Đảm bảo liên hệ thống nhất thời gian - không gian - nhân vật, sự kiện lịch sử

Mỗi một sự kiện lịch sử cũng bao gồm ba yếu tố: Thời gian, không gian, nhân vật - sự kiện lịch sử. Thiếu một trong ba yếu tố này thì không còn là sự kiện lịch sử nữa và chúng ta sẽ không được nhận thức được một cách đúng đắn, khoa học.

Địa danh nếu tách khỏi các yếu tố thời gian và con người thì sẽ không là địa danh lịch sử mà chỉ là địa danh địa lý thông thường. Ví dụ, đất Lam Sơn nếu tách khỏi nhân vật Lê Lợi và thời gian năm 1418 thì nó chỉ là một địa danh địa lý bình thường trên bản đồ hành chính Việt Nam mà thôi.

Như vậy, kiến thức về địa danh lịch sử không chỉ dừng lại ở những kiến thức địa lý thông thường, mà còn gắn liền với thời gian, nhân vật lịch sử,….

Đảm bảo tính hình ảnh và trực quan sinh động

Lịch sử là một khoa học, nó mang tính cụ thể. Địa danh lịch sử cũng mang tính cụ thể, bởi mỗi một sự kiện lịch sử xảy ra đều là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử nhất định.

Chẳng hạn, nói đến Lam Sơn là nói đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Hay nói đến Ngọc Hồi - Đống Đa là chúng ta nhớ đến sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789.

Một trong những biện pháp để nâng cao hiệu quả bài học chính là đảm bảo tính cụ thể, tính hình ảnh và tính trực quan sinh động. Lịch sử là những gì đã trải qua và không lặp lại.

Do vậy, việc tái hiện lại bức tranh quá khứ lịch sử đúng như nó tồn tại là điều hết sức quan trọng. Tính cụ thể, sinh động, giàu hình ảnh của kiến thức sẽ làm cho học sinh như đang tham gia, chứng kiến sự kiện lịch sử ấy.

Lịch sử là rất cụ thể, và việc dạy học lịch sử không thể chung chung, sáo rỗng mà phải cho học sinh thấy được tính sinh động, giàu hình ảnh của nó.

Sử dụng kiến thức về địa danh trong dạy học lịch sử kết hợp với nhiều biện pháp, phương pháp dạy học khác nhau như sử dụng đồ dùng trực quan, sử dụng phương pháp miêu tả, tường thuật và phương pháp trình bày miệng thật sinh động sẽ giúp học sinh có biểu tượng lịch sử rõ ràng.

Hướng dẫn học sinh tạo biểu tượng về kiến thức địa danh có hình ảnh, sinh động kèm theo còn khơi dậy các em những cảm xúc lịch sử (căm ghét, buồn vui, giận hờn…) là cơ sở để hình thành nhân cách đúng đắn cho các em, để học sinh thấy yêu thích và say mê với bộ môn hơn.

Phát huy tính tích cực, độc lập của học sinh

Muốn học sinh hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức thì trong quá trình dạy học đòi hỏi giáo viên phải phát huy tính tích cực, chủ động cho học sinh thông qua những câu hỏi gợi mở, tạo tình huống có vấn đề… có thể đưa ra các số liệu cụ thể về địa danh qua đó các em so sánh, nhận xét, đánh giá.

Để làm được điều này, giáo viên phải có kiến thức phong phú vế địa danh để tổ chức cho học sinh lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc nhất.

Ví dụ, khi dạy học về chiến thắng Bạch Đằng năm 938, giáo viên cần khai thác và sử dụng kiến thức về địa danh sông Bạch Đằng để miêu tả kết hợp với lược đồ, đặt câu hỏi để phát triển tư duy học sinh: Vì sao Ngô Quyền lại quyết định xây dựng trận địa cọc ngầm trên sông Bạch Đằng? Khúc sông này có đặc điểm gì? Nhận xét của em về nghệ thuật quân sự của Ngô Quyền?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ