Chiến thuật sử dụng xe tăng thay đổi

GD&TĐ - Máy bay không người lái (UAV) tự sát được coi là nguyên nhân khiến nhiều lực lượng phải thay đổi chiến thuật sử dụng xe tăng của mình.

Một chiếc Abrams của Ukraine mang thêm giáp lồng.
Một chiếc Abrams của Ukraine mang thêm giáp lồng.

Theo Wall Street Journal, xe tăng từng được ví như vua chiến trường, nhưng sự phổ biến của UAV tự sát khiến phương tiện chiến đấu cỡ lớn như vậy có thể bị phát hiện và trở thành mục tiêu chỉ trong thời gian rất ngắn.

Hàng loạt xe tăng của Ukraine và Nga đã bị hỏng, phá hủy hoàn toàn hoặc rơi vào tay đối phương sau đòn tập kích bằng UAV tự sát.

"Cùng với UAV tự sát, đối phương cũng thường triển khai UAV trinh sát để tìm mục tiêu. Nếu phát hiện được xe tăng, chúng sẽ chỉ điểm cho pháo binh, tên lửa dẫn đường, UAV tự sát, bom lượn và thậm chí là mìn để tấn công", trưởng xe Abrams của Ukraine có biệt danh Smilik, nói.

Thực tế chiến trường từ xung đột Ukraine đang thúc đẩy quân đội nhiều nước bổ sung năng lực chống UAV chủ động và thụ động cho xe tăng, cũng như tìm cách thay đổi thiết kế và chiến thuật sử dụng xe tăng.

Tướng James Rainey, lãnh đạo Bộ tư lệnh Tương lai thuộc lục quân Mỹ, cho hay: "Trong thời gian tới, quân đội Mỹ cần khẩn trương thực hiện những điều chỉnh để duy trì khả năng sống sót của các đội hình tăng thiết giáp".

"Lục quân Mỹ đang tìm cách làm xe tăng khó bị phát hiện hơn, từ thay đổi màu sơn tới giảm tín hiệu điện tử phát ra từ phương tiện.

Các tập đoàn quốc phòng Mỹ cũng đang nghiên cứu vật liệu nhẹ hơn để chế tạo xe tăng, giúp tăng khả năng cơ động và gây khó khăn cho nỗ lực tấn công từ UAV", trợ lý Tư lệnh Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm Doug Bush, tiết lộ.

Nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển cho biết khách hàng đang quan tâm tới sản phẩm lưới ngụy trang có thể bao phủ toàn bộ xe tăng, che giấu một phần bức xạ nhiệt và giúp phương tiện ẩn mình tốt hơn.

Khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, Ba Lan đã đặt mua hàng trăm xe tăng chủ lực K2 do Hàn Quốc chế tạo. Sau đó không lâu, nước này đặt mua thêm một lô xe tăng K2 và yêu cầu bổ sung nhiều hệ thống, trong đó có thiết bị gây nhiễu tín hiệu điều khiển UAV.

Hiện nay, quân đội Nga và Ukraine đều lắp thiết bị tác chiến điện tử lên xe tăng thiết giáp để đối phó UAV, đồng thời triển khai những biện pháp nhằm vô hiệu hóa năng lực gây nhiễu của đối phương.

Mỹ và một số quốc gia đồng minh cũng bổ sung biện pháp phòng thủ chủ động cho xe tăng. Trong số này có hệ thống Iron Fist do Israel chế tạo, với tính năng phóng ra các viên đạn nổ cỡ nhỏ để chặn hàng loạt mối đe dọa đang lao đến, từ tên lửa chống tăng đến UAV FPV.

Thời điểm chiến sự mới bùng phát, các quân nhân Ukraine thường đào hào và ngụy trang để giấu xe tăng, sẵn sàng mai phục đối phương.

Tuy nhiên, theo Lubomyr Stakhiv, trung sĩ Ukraine: "Nhưng mọi thứ giờ đều bị theo dõi và không thể đào công sự để giấu phương tiện. Chúng tôi phải cố gắng giữ khoảng cách, hoạt động ngoài tầm với của UAV đối phương và đưa phương tiện tới vị trí phù hợp để công kích".

Chỉ huy một đại đội xe tăng Leopard của Ukraine, Anton Havrish, cho biết kỹ năng của chỉ huy tăng thiết giáp trước đây được đánh giá bởi năng lực tác chiến đơn lẻ và hiệp đồng với bộ binh. Ngày nay, khả năng bắn lén và rút lui nhanh được đề cao.

Cùng với đó, Đại tá Juhana Skytta, thanh tra Lục quân Phần Lan từng là chỉ huy một lữ đoàn thiết giáp, cho hay: "UAV khiến chúng tôi phải tập trung huấn luyện binh sĩ cơ động xe tăng liên tục.

Không thể để khí tài nằm yên ở khu vực trống trên chiến trường dù chỉ trong một phút, phải đưa xe tăng xuống dưới tán cây hoặc đến nơi ẩn náu bất cứ khi nào ngừng di chuyển".

Mặc dù mất đi ưu thế vốn có vì sự phổ biến của UAV tự sát nhưng giới quân sự cho rằng, xe tăng vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.