“Chiến lược” phân bố thời gian làm bài thi Toán tốt nghiệp THPT từ đề tham khảo

GD&TĐ - Một trong những lời khuyên cô Trình Ánh Ngọc, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội khuyên học sinh từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là chiến lược phân bố thời gian hợp lí.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chẳng hạn, chỉ dành thời gian tối đa 40 phút để làm chắc 37 câu đầu và kiểm tra lại thật kĩ để tránh sai xót. Đối với 8 câu tiếp theo, cố gắng làm trong khoảng 20 phút. 5 câu cuối dành 25 phút còn lại làm được càng nhiều càng tốt.

Ngoài phân bổ thời gian hợp lý, cô Ngọc lưu ý, học sinh cần học thật chắc, nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giao khoa, luyện tập thường xuyên các câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Với những câu hỏi để đạt điểm 9-10, học sinh nên làm thêm đề thi thử của các trường, các Sở GD&ĐT giai đoạn trước kì thi.

Nhận định chung về đề tham khảo, theo cô Trình Ánh Ngọc, đề minh họa bám sát chương trình toán cơ bản môn Toán lớp 12. Đề “dễ thở”, dễ đạt 7, 8 điểm. Trọng tâm kiến thức thuộc chương trình lớp 12. Không có nội dung thuộc chương trình lớp 10 (nội dung của chương trình lớp 10 được lồng ghép trong bài toán liên quan đến hàm số, phương trình và bất phương trình mũ, lôgarit)

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Về sự phận hóa của đề thi: Đề thi phân hóa học sinh. Khoảng 37 câu đầu của đề thi ở mức độ nhận biết và thông hiểu phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Từ câu 38 trở đi là thuộc mức độ vận dụng thấp - vận dụng cao. Đặc biệt những câu 46, 47, 48, 49, 50 phân loại học sinh khá, giỏi.

Về phạm vi kiến thức: Kiến thức của đề nằm trong chương trình lớp 12. Chương trình lớp 11 có các câu liên quan đến cấp số cộng, xác suất, phép đếm, góc và khoảng cách. Đặc biệt, đề minh họa 2021 không có sự xuất hiện các câu hỏi về lượng giác, bài toán vận tốc, bài toán lãi suất, phương trình tiếp tuyến và khoảng cách giữa hai đường chéo nhau - đều là những câu hỏi thường gây khó khăn cho các thí sinh.

Các câu hỏi mức vận dụng cao trải đều ở các chuyên đề hàm số, mũ – logarit, nguyên hàm – tích phân, số phức và phương pháp tọa độ không gian. Cụ thể như sau:

Chuyên đề Hàm số: đây là chuyên đề có số lượng câu hỏi lớn nhất trong đề thi (10 câu). Trong đó, câu 46 ở mức độ vận dụng cao, yêu cầu biện luận số cực trị của hàm chứa giá trị tuyệt đối được đánh giá là khó nhất đề, đòi hỏi thực hiện nhiều bước.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Chuyên đề Mũ - logarit: Đa phần các câu chỉ ở mức nhận biết – thông hiểu, tuy nhiên câu 47 ở mức độ vận dụng cao, thí sinh cần có kinh nghiệm nhất định ở dạng bài tập này mới có thể chọn được hướng tiếp cận đúng, xử lý nhanh gọn.

Chuyên đề Số phức: Chủ đề số phức ra trải khá đều ở cả bốn mức độ và có câu 49 thuộc mức độ vận dụng cao, cũng cần ở thí sinh kinh nghiệm dày dặn về mảng kiến thức này.

Chuyên đề Nguyên hàm – tích phân: Chủ đề nguyên hàm tích phân, không có những câu quá khó, lắt léo nhưng câu 48 ở mức vận dụng cao sẽ gây mất nhiều thời gian nếu không tìm được hướng đi nhanh gọn.

Chuyên đề Hình học Oxyz: Có khá nhiều câu hỏi thuộc chủ đề này (8 câu) và đa phần các câu không khó.

Chuyên đề khối đa diên và thể tích khối đa diện, khối tròn xoay: Các câu chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chỉ có 2 câu ở mức độ vận dụng.

Câu 50 thuộc mức vận dụng cao có nét rất mới là sự kết hợp của nhiều chương: khối tròn xoay, tìm giá trị lớn nhất và hình giải tích Oxyz. Tuy nhiên, hầu như các dạng toán ở những câu mức độ vận dụng đâu đó đã xuất hiện trong các kì thi thử của các trường THPT, các Sở giáo dục trên cả nước.

Với đối tượng học sinh thi THPT năm 2021, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở giai đoạn cuối năm học lớp 11 và học kì 2 năm học lớp 12 nên những nội dung ở giai đoạn này cũng được lược bỏ hoặc chỉ ở mức độ cơ bản chẳng hạn như nội dung về góc và khoảng cách trong không gian; khối đa diện và thể tích khối đa diện.

* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ