Đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập
PGS.TS Trần Quốc Toản - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhận định, trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó có lực lượng lao động trẻ là thanh niên. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Để đáp ứng với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng, cần phải có cách tiếp cận và các giải pháp mới, đồng bộ hơn.
Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, đào tạo nghề cho thanh niên không thể chỉ coi là đào tạo nghề nghiệp chuyên môn cho một bộ phận lực lượng lao động trẻ chưa có nghề nghiệp. Thực chất đây là đào tạo nguồn nhân lực chủ đạo của đất nước trong tương lai 5 - 20 năm tới, trên tất cả các lĩnh vực. Đó phải là một bộ phận cấu thành quan trọng của “Đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực” giai đoạn 2021 - 2030.
Đào tạo nghề cho thanh niên cần được đặt trong tổng thế đào tạo nhân lực chất lượng cao - trình độ cao. Mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng - tái cơ cấu nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu. Cần có các nội dung, hình thức, cơ chế, chính sách phù hợp đối với từng loại trình độ, ngành nghề, đối tượng. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ở từng vùng, địa phương, trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, cần đặt trong thể chế đào tạo - đào tạo lại - nâng cao liên tục. Nó phải gắn với quá trình sử dụng lao động, thay đổi nghề nghiệp, dưới tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, khi nói đến đào tạo nghề cho thanh niên, cũng là nói đến đào tạo lực lượng cốt lõi của nguồn nhân lực quốc gia ở mọi trình độ. Điều này không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hiện, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn có những yếu kém, bất cập.
Theo Báo cáo điều tra của Tổng cục Thống kê về lao động và việc làm Việt Nam năm 2019, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu), thì 77,2% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật. Bên cạnh đó, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học. Thực trạng này nói lên trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam trong đó đa số là thanh niên còn rất thấp, không được đào tạo, không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp được phản ánh qua năng suất lao động thấp. Theo đánh giá của ILO công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương và ở ASEAN. Chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái lan, gần 1/2 của Indonesia, gần 3/5 của Philippines, chỉ cao hơn Campuchia. Chưa kể so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Chất lượng nguồn nhân lực thấp là hệ quả trực tiếp của chất lượng đào tạo. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế”, PGS.TS Toản nhấn mạnh.
Nguồn nhân lực trình độ cao còn rất hạn chế
Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất cập về sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Cùng với đó, thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động cho thấy nguồn nhân lực được đào tạo chủ yếu nằm ở khâu “gia công, lắp ráp” trong các chuỗi sản xuất. Trong khi đó nguồn nhân lực trình độ cao còn rất hạn chế.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó nêu rõ quan điểm “Nhà nước có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên”. Hệ thống giáo dục - đào tạo nói chung, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng, cũng như các địa phương đã có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên. Số lượng thanh niên được đào tạo nghề ở các trình độ khác nhau ngày càng tăng.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số, tăng nhanh số người đến tuổi lao động, vấn đề đào tạo nghề ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, chất lượng chưa bảo đảm, chưa đáp ứng yêu cầu. Tạo việc làm cho thanh niên còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao hơn mức trung bình của cả nước và có chiều hướng gia tăng.
Việc nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu đào tạo lao động thanh niên chưa hợp lý. Có những nơi chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động, chất lượng đào tạo chưa cao. Công tác đào tạo chưa gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên. Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi về đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người, bộ đội, công an xuất ngũ… chưa thực sự phù hợp.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn khoảng 80% số thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề, đa số thanh niên còn ở lại nông thôn có trình độ học vấn thấp nên ít có cơ hội được đào tạo nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn còn nhiều khó khăn, yếu kém.
“Trên thế giới hiện có khoảng 1,9 tỷ thanh, thiếu niên ở độ tuổi từ 10 - 24. Đây là lực lượng trẻ, là nguồn tài nguyên quan trọng nhất đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn mới. Thế nhưng, một bộ phận của lực lượng lao động trẻ hiện nay vẫn bị thất nghiệp, thiếu việc làm, hoặc làm việc không phù hợp với khả năng, mong muốn.
Trung bình một người trẻ phải mất khoảng 19 tháng kể từ sau khi tốt nghiệp mới có thể tìm được việc làm ổn định. Nhiều thanh niên tuy tìm được việc làm nhưng chỉ là những công việc thấp hơn so với trình độ, tay nghề được đào tạo, với mức thu nhập thấp”, PGS.TS Trần Quốc Toản thông tin.