Chiến dịch diệt chuột lớn nhất thế giới

GD&TĐ - Chiến dịch diệt chuột lớn nhất thế giới đã xóa sổ hoàn toàn chuột cống và chuột nhắt khỏi đảo South Georgia ở Nam Đại Tây Dương.

Chiến dịch diệt chuột lớn nhất thế giới

 Nam Georgia, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở nam Đại Tây Dương, lần đầu tiên vắng bóng chuột từ khi con người tới định cư trên đảo cách đây 200 năm, Fox News hôm qua đưa tin. Loài vật xâm hại này tàn phá quần thể chim ở hòn đảo xa xôi, thậm chí đe dọa nhiều loài đặc hữu của đảo. 

Đảo Nam Georgia ở cách quần đảo Falkland khoảng 1.287 km về phía tây nam. Tổ chức từ thiện South Georgia Heritage Trust (SGHT) ở Scotland và Friends of South Georgia Island ở Mỹ đã gây quỹ 13,6 triệu USD để tài trợ cho dự án. Chiến dịch diệt chuột quy mô trên 1.087 km2 bắt đầu từ năm 2011.

Đầu tiên, hai phi công rải 55 tấn bả tẩm thuốc diệt chuột trên đảo. "Chỉ riêng lần rải bả đầu tiên, hoàn thành trong 28 ngày trong điều kiện khắc nghiệt của vùng cận Nam Cực, đã biến dự án này thành chiến dịch diệt chuột lớn nhất được tiến hành trên thế giới", tổ chức SGHT cho biết.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu năm 2013, sử dụng ba máy bay trực thăng để rải 173 tấn bả. Đoàn thám hiểm 25 thành viên mang tên "Team Rat", bao gồm phi công, kỹ sư, đầu bếp, bác sĩ và cán bộ thực địa, cũng tham gia giai đoạn này.

Hai năm sau, các chuyên gia quay lại đảo để rải thêm 105 tấn bả bằng ba máy bay trực thăng. Khảo sát theo dõi toàn diện bắt đầu năm 2017 với hơn 4.600 thiết bị được dùng để phát hiện dấu vết của chuột.

"Từ lần rải bả cuối cùng vào năm 2015 - 2016, nhóm chuyên gia không phát hiện dấu vết nào của chuột và một số loài chim có dấu hiệu phục hồi đáng kể, nhưng khảo sát toàn diện vẫn cần thiết trước khi hòn đảo có thể chính thức được xác nhận không còn chuột", tổ chức SGHT chia sẻ.

Nhóm chuyên gia dành 6 tháng ở South Georgia trong mùa đông vừa qua, sử dụng ba con chó nghiệp vụ giỏi đánh hơi để truy tìm chuột. Những con chó đi tổng cộng 2.430 km và hai người quản lý vượt quãng đường gần 1.600 km trong quá trình tìm kiếm chuột.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ