Chiêm ngưỡng "Làng họa sĩ"

Chiêm ngưỡng "Làng họa sĩ"

(GD&TĐ) - Làng Cổ Ðô, Ba Vì, Hà Nội chỉ khoảng 800 hộ dân mà có đến 30 người là họa sĩ chuyên nghiệp, trong đó 16 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra làng còn có hàng trăm “họa sĩ nông dân” cứ buông tay cày, tay cuốc là cầm cọ vẽ say mê. 

Chiêm ngưỡng "Làng họa sĩ" ảnh 1
Tranh sơn dầu “Tiếng đàn bầu” của cố họa sĩ Sỹ Tốt (năm 1963)

Mặc dù đã đọc và được nghe kể nhiều về làng Cổ Đô, nhưng chỉ khi được sống và trải nghiệm ở Cổ Đô, tôi mới tin “làng họa sĩ” quả là “danh bất hư truyền”. Mỗi thế hệ đều có những họa sĩ xuất sắc và lớp con cháu luôn tiếp bước cha anh tạo nên danh tiếng cho làng. Ở đây, có những người không qua đào tạo, nhưng nhờ năng khiếu, niềm đam mê, cộng với sự chỉ bảo của thế hệ đi trước mà trở thành họa sĩ. Họ đến với nghiệp cầm cọ tự nhiên như hơi thở. Qua các thế hệ, Cổ Đô đã có hơn 100 hoạ sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng được giới hội hoạ đánh giá cao như: Sỹ Tốt, Sĩ Thiết, Sỹ Tuấn, Trần Hòa, Giang Khích, Ngô Bình Thiểm, Nguyễn Ngọc Thạch, Huỳnh Mai, La Vuông, Nguyễn Quang Trung...

Trong làng, mỗi hoạ sĩ đều có một phòng tranh riêng nho nhỏ tại nhà và nhiều người có phòng tranh ở Hà Nội. Làng cũng có nhiều lớp học vẽ rất độc đáo, là nơi ươm mầm các tài năng hội họa của Cổ Đô. Năm 2002, những người cùng có chung niềm đam mê hội họa đã lập nên “Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô”. Nhiều hội viên, sau mỗi lần hoàn thành được tác phẩm ưng ý, lại gọi anh em bạn bè trong câu lạc bộ đến uống nước trà và thưởng ngoạn. Họ xem tranh rồi nhận xét, rút kinh nghiệm cho nhau. Câu lạc bộ cũng là nơi tổ chức các cuộc triển lãm tranh của các “họa sĩ nông dân”, và mỗi lần diễn ra triển lãm, Cổ Đô lại tưng bừng như trong ngày hội.

Tôi đến thăm gia đình cố họa sĩ Sỹ Tốt, người được bà con trong làng ngưỡng mộ bởi tài năng và khả năng truyền nghề. Cụ bà Nguyễn Thị Mộc, vợ cố họa sĩ Sỹ Tốt năm nay đã 90 tuổi, nhưng khi nghe tôi hỏi về truyền thống của gia đình, bà lại sáng lên niềm tự hào và say sưa kể: Thuở nhỏ ông nhà đã mê vẽ, vẽ từ cổng đình, cổng chùa, đến các con vật... Nhưng ngày đó, làng là vùng địch hậu, sợ con mình bị liên lụy bởi những bức tranh ấy, cụ thân sinh đã phải xé bỏ các tác phẩm đầu đời của ông. Sau đó ông đi bộ đội, tham gia các chiến dịch biên giới, chiến dịch thu đông và chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1955 ông được về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) học và trở thành một trong những họa sĩ tài danh của nền mỹ thuật Việt Nam.

Một góc trưng bày trong bảo tàng “Sỹ Tốt và gia đình”
Một góc trưng bày trong bảo tàng “Sỹ Tốt và gia đình”

Các tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Sỹ Tốt như “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954; “Em nào cũng được học cả” đoạt giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, sau này được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ở Matxcơva. Hay như tác phẩm “Tiếng đàn bầu” mà tôi được biết từ những ngày cắp sách đến trường. Với những đóng góp đó, năm 2007, ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2006, gia đình đã xây dựng một bảo tàng xinh xắn mang tên bảo tàng “Sỹ Tốt và gia đình” để lưu giữ những bức tranh tiêu biểu của ông.

Bảo tàng đã thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Năm 2008, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ghi lại những cảm tưởng xúc động khi đến thăm bảo tàng: “Qua những tác phẩm còn lưu giữ, người xem được cảm nhận một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hết sức hào hùng và lãng mạn của nhân dân ta. Với vẻ đẹp long lanh hòa sắc, người xem rất cảm phục tài năng và tâm hồn lạc quan của người họa sĩ nổi tiếng một thời – họa sĩ Sỹ Tốt”.

Nếu có điều kiện về làng Cổ Đô, bạn sẽ bắt gặp trong từng ngõ xóm, trên đường làng, bên những cây rơm, bờ tre, các em nhỏ đang say sưa vẽ những ước mơ của mình lên nền đất, giấy học sinh. Còn hình ảnh thường trực là những giá vẽ được đặt ngay bên những luống cày, ruộng cấy để khi ngơi tay cuốc, tay cày hoặc khi cảm hứng sáng tác bất thần trỗi dậy, thì những người nông dân tay chân lấm lem bùn đất lại có thể lập tức thả hồn vào tranh. Đúng như người dân Cổ Đô vẫn tự hào “Hội hoạ đã ăn vào máu chúng tôi!”. Về Cổ Đô tôi mới thực sự cảm nhận được hết những tinh hoa và nét độc đáo trong tâm hồn người Việt, làm nên cốt cách văn hóa Việt Nam trong hơn bốn nghìn năm lịch sử.

Anh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ