Chiếc túi và bài học của thầy

GD&TĐ -Trong cuộc đời này, có những người gặp gỡ với ta thật tình cờ. Có những người giảng dạy cho ta chỉ là duyên số. Nhưng cũng có người để lại ấn tượng trong ta mà thời gian không thể nào xóa nhòa. Phải, đã có một người khiến tôi thật ngưỡng mộ. Người ấy không ai khác chính là thầy giáo dạy Văn cấp 2 và câu chuyện làm thay đổi cuộc đời tôi bằng những chiếc túi bình thường.

Chiếc túi và bài học của thầy

Lớp tôi vốn là lớp chọn của trường nên nhiều bạn học giỏi đó hẳn là điều bình thường. Kết thúc học kì I, tỉ lệ học sinh giỏi đạt 98%, chỉ có duy nhất một bạn học lực loại khá. Ai nấy đều vui ra mặt và có phần tự đắc.

(Tùng…tùng…tùng…)

Tiếng trống báo hiệu vào tiết Văn – tiết học đầu tiên ở học kì II. Thầy giáo dạy Văn lớp tôi tuy trẻ nhưng trông rất nghiêm nghị và cương trực đến mức nhiều bạn trong lớp thật sự không thích thầy chút nào cả. Kể cả tôi!

Không gian của buổi sáng thật yên ả, ánh nắng chưa gay gắt, tiếng thầy giảng say sưa thu hút sự chú ý của lớp. Riêng Anh Khoa - cậu bạn vốn nổi tiếng học giỏi, thông minh và nhà có “điều kiện”….đang ngồi hí hoáy nói chuyện với cô bạn cạnh bên. Tiếng nói chuyện rất nhỏ nhưng đủ để ngắt mạch cảm xúc của thầy. Thầy bỗng dừng lại. Cả lớp chưa hiểu chuyện gì, liền nhìn nhau:

- Ơ, chuyện gì thế nhỉ?

- Sao thầy không giảng nữa?

Tác giả của cuộc nói chuyện biết mình đã gây ra tội, vội im lặng, tránh khỏi sự dòm ngó của các bạn khác. Thầy từ từ bước xuống, giọng nhẹ hỏi:

- Thầy giảng không hay à?

Anh Khoa gãi đầu, không biết trả lời sao, liền chối:

- Dạ, đâu có thầy…

Thầy lại hỏi tiếp:

- Thế sao em không ngồi trật tự nghe thầy giảng bài cho lớp?

- Bài thầy dạy em đi học thêm biết hết rồi – Khoa đáp lại thẳng thừng.

Nét bối rối thoáng hiện lên trên khuôn mặt của thầy. Đôi mày nhíu lại một chút rồi lại dãn ra, miệng khẽ nở một nụ cười trước khi rời khỏi chỗ Anh Khoa để đi lên bục giảng. Thầy điềm đạm nói một cách từ tốn:

- À, thầy hiểu lí do rồi. Thế lớp mình có muốn nghe một câu chuyện không nhỉ?

Cả lớp rất ngạc nhiên vì thầy không trách phạt Anh Khoa mà lại đưa ra nhã ý có phần kì quặc đến thế.

- Da, có… Tiếng của một vài bạn giữa lớp vang lên.

Thầy nhìn đồng hồ biết là tiết học chỉ còn 15 phút nữa sẽ kết thúc. Bài học hôm nay tuy chưa xong nhưng thầy vẫn dành hết thời gian còn lại để kể một câu chuyện mà ai cũng hết sức tò mò.

Trên bàn giáo viên, thầy rút tay vào chiếc cặp da, màu đen cũ sờn, thầy lần lượt lấy ra những chiếc túi bóng khác nhau. Ngăn bên trong thầy lấy một chiếc túi bóng màu xanh dương chấm bi, trông đẹp, nhỏ bằng lòng bàn tay. Ngăn cặp bên hông, thầy lấy một chiếc túi bóng màu vàng óng ả, trông cũng thích mắt nhưng nó to gấp đôi chiếc túi bóng ban đầu. Từ ngăn ngoài cùng, thầy lấy ra một chiếc túi bóng màu trắng nhàu nát, trông có vẻ đã qua nhiều lần sử dụng nhưng khi mở ra từng lớp thì mới thấy chiếc túi ấy thật to và khác biệt. Khi cả lớp còn ngẩn ngơ, thầy vội nói tiếp:

- Trên bàn giáo viên hiện nay có nhiều vật dụng, thầy sẽ bỏ lần lượt các vật dụng ấy vào từng chiếc túi.

Đầu tiên thầy bỏ hộp phấn, tất cả chiếc túi trên bàn đều đựng được. Tiếp theo thầy bỏ li nước đã uống cạn, tuy chiếc túi bóng xanh dương có vẻ khó đựng nhưng thầy vẫn cố nhét vào, còn hai chiếc túi bóng vàng và trắng đều bỏ gọn. Thầy bỏ tiếp hộp bút chì màu thì chiếc túi xanh dương đã rách toạc, túi vàng thì phải căng hết cỡ để nhét cho gọn, riêng túi trắng vẫn chứa được tất cả. Cuối cùng thầy bỏ chiếc cặp da to đùng của mình thì chỉ duy nhất chiếc túi trắng “xấu xí” kia có thể bỏ được một cách dễ dàng.

Khi cả lớp đang suy đoán đủ thứ về cuộc thử nghiệm trên thì thầy liền rời khỏi bàn giáo viên, đứng giữa lớp, giọng vẫn trôi chảy:

- Các em vừa thấy đấy. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình những chiếc túi mà thầy gọi đó là “chiếc túi năng lực”. Có người theo thời gian thì chiếc túi càng lớn dần nhưng cũng có người chiếc túi vẫn giữ nguyên hoặc bé hơn so với ban đầu.

Mỗi vật dụng thầy bỏ vào chính là cơ hội và môi trường làm việc của mỗi người. Có thể đó là môi trường làm việc đầy hào nhoáng nhưng cũng rất mong manh như li thủy tinh, hay môi trường đầy thử thách với những “thượng đế” khác nhau như những cây bút chì màu, hoặc cũng có thể là môi trường đầy áp lực từ những người sếp lớn tuổi, khó tính như chiếc cặp da cũ sờn.

Nhưng chỉ duy nhất chiếc túi trắng, trông có vẻ gớm ghiếc nhưng lại chứa đựng được tất cả mọi vật, cũng giống như một người có năng lực giỏi thật sự. Tuy vẻ ngoài thô kệch nhưng bỏ họ vào bất cứ môi trường làm việc nào thì họ vẫn làm tốt và thậm chí là hoàn thành xuất sắc công việc.

Tuy nhiên, chỉ có lòng khiêm tốn và tư tưởng cầu tiến mới giúp cho chiếc “túi năng lực” của mỗi người càng phình to hơn, còn chính sự tự mãn và đố kị sẽ chỉ làm cho những chiếc túi ấy bé lại hơn mà thôi. Những tiếng ồ vang lên rõ to, kèm theo đó là sự trầm trồ, tâm đắc cho một câu chuyện sinh động của thầy. Không cần bóng bẩy nhưng lại thực tế vô cùng!

Chỉ riêng Anh Khoa cúi gầm mặt, lặng lẽ ngồi im. Vì biết mình có thể chỉ là chiếc túi bé nhỏ kia, nhưng lại cố tỏ vẻ ta đây, để có thể bị ảo tưởng về chính khả năng thật sự của mình…

Cùng lúc đó, tiếng trống báo hiệu kết thúc tiết học vang lên. Thầy thu dọn tất cả đồ đạc trên bàn, bỏ vào cặp đen và chào chúng tôi trước khi ra khỏi lớp. Nắng lúc này đã có phần gắt hơn. Tiếng giày khẽ khua trên nền đất, tạo nên âm thanh lộp cộp nhưng lời giảng về những chiếc túi kì diệu của thầy vẫn còn văng vẳng đâu đây. Cảm ơn thầy về tiết học đặc biệt ngày hôm nay.q

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.