Chiếc long bào sắp được đấu giá tại Pháp có phải của vua Bảo Đại?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 7/12 tới đây, nhà đấu giá Delon - Hoebanx (Pháp) sẽ tổ chức phiên đấu liên quan đến chiếc long bào được cho là của vua Bảo Đại.

Hình ảnh chiếc long bào mà nhà đấu giá Delon - Hoebanx khẳng định của vua Bảo Đại.
Hình ảnh chiếc long bào mà nhà đấu giá Delon - Hoebanx khẳng định của vua Bảo Đại.

Long bào được Bảo Đại mặc trong Lễ đăng quang?

Mặc dù nhà đấu giá Delon - Hoebanx khẳng định đó là long bào của vua Bảo Đại kèm theo các hình ảnh trong catalogue, tuy nhiên, giới chuyên gia ở Việt Nam lại nghi ngờ về tính xác thực của chiếc long bào này.

Mới đây, trên website của nhà đấu giá Delon - Hoebanx (Pháp) chính thức công bố hình ảnh chào bán chiếc “long bào triều Nguyễn”, được cho là từng thuộc về vua Bảo Đại, có nguồn gốc từ một bộ sưu tập tư nhân ở Pháp.

Nhà đấu giá miêu tả: Chiếc áo choàng độc nhất và quý hiếm được giới thiệu trong phiên đấu giá đã được thực hiện và sử dụng trong Lễ đăng quang của cựu hoàng Bảo Đại - vị Hoàng đế cuối cùng.

Được lưu giữ tại Việt Nam, sau đó mang tới Pháp bởi gia đình Hoàng gia, chiếc áo này được trưng bày và giới thiệu một lần duy nhất nhân dịp triển lãm “L’envol du Dragon” tại Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Châu Á - Guimet, từ ngày 9/7 đến 15/9/2014.

Kèm theo hình ảnh về long bào, nhà đấu giá khẳng định: “Tấm long bào này được cựu hoàng Bảo Đại mặc trong Lễ đăng quang, cũng là tấm áo choàng đánh dấu sự kết thúc của một chế độ quân chủ, là chứng nhân cuối cùng của sự giàu có và quyền lực của triều đình An Nam và người cai trị”.

Chiếc long bào được miêu tả có tay áo rộng bằng lụa màu vàng, lớp lót bằng lụa màu cam, trang trí bằng chỉ tơ ngũ sắc và sợi kim tuyến. Long bào tập hợp những quy định khắt khe bắt buộc phải tuân theo về trang phục của hoàng đế.

Vạt áo được buộc về phía bên phải với hai dải tùy lưu màu vàng, được nối với nhau ở phần cổ áo phía trước. Trên ngực áo, đồ án phi long với hình ảnh một con rồng bay giữa những đám mây như ý, đối diện với viên ngọc quý được bao bọc bởi lửa.

Con rồng được thêu với kỹ thuật nhồi vảy bằng sợi vàng, ôm lấy chữ Thọ, biểu tượng của sự trường thọ. Hai con rồng khác bay lên từ những hồi văn thủy ba. Chúng bay quanh tam sơn, biểu tượng thường thấy trên long bào của các hoàng đế Trung Quốc, và dường như đang nâng chữ Thọ lên cao. Những đường chéo dưới chân áo được tô điểm bằng hình ảnh đóa hoa sen đang nở rộ và hai vì sao tỏa sáng lấp lánh.

Những biểu tượng này, không tồn tại trên long bào Trung Quốc, là những chi tiết được thêm vào dưới thời vua Khải Định. Những con rồng khác, trên tay và vai áo, bay lượn giữa những họa tiết hình dơi, hoa mẫu đơn, trái đào, và bát. Mỗi chi tiết ở đây đều gợi lên ý nghĩa của sự trường thọ, sự bảo vệ và điềm lành. Chúng thể hiện vị trí trung tâm của hoàng đế trong thứ bậc trên thiên đình.

Nhà đấu giá Delon – Hoebanx cũng thông tin, chiếc long bào sẽ được triển lãm công cộng từ ngày 6 đến 12 giờ trưa ngày 7/12 và phiên đấu giá sẽ chính thức diễn ra lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày tại Phòng 15 - Hôtel Drouot, 9, rue Drouot 75009 Paris.

Chi tiết hình rồng thêu trên long bào.

Chi tiết hình rồng thêu trên long bào.

Không có bằng chứng thuộc về vua Bảo Đại

Trao đổi về thông tin trên với nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi - người sát sao với các cuộc đấu giá về cổ vật và nghệ thuật Việt Nam, ông Khôi khẳng định long bào mà nhà đấu giá Delon - Hoebanx đưa lên chắc chắn là dành cho vua. Tuy nhiên, đó có phải là long bào của vua Bảo Đại hay không thì ông Khôi không dám khẳng định vì chưa được sờ và xem trực tiếp.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, họa sĩ La Quốc Bảo - người sưu tập cổ vật và nghiên cứu độc lập về mỹ thuật triều Nguyễn khẳng định, chiếc long bào mà Delon - Hoebanx sắp đưa ra đấu giá là cổ vật thật sự. Tuy nhiên, không có bằng chứng chứng minh long bào thuộc về vua Bảo Đại, nhưng lại có thể thuộc về vua Khải Định hoặc Đồng Khánh, thậm chí trước đó nữa.

Giới chuyên gia khẳng định chiếc long bào là cổ vật thật nhưng không có bằng chứng nó thuộc về vua Bảo Đại.

Giới chuyên gia khẳng định chiếc long bào là cổ vật thật nhưng không có bằng chứng nó thuộc về vua Bảo Đại.

Giải thích về điều này, họa sĩ La Quốc Bảo cho rằng, xét về quy chế lễ phục cung đình nhà Nguyễn được nêu trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, áo giao lãnh (cổ chéo) màu vàng chánh sắc (chánh hoàng sắc) được dành cho vua khi dự Thường triều. Trong khi đó, Lễ đăng quang là một trong những đại lễ lớn nhất thì phải sử dụng Đại triều bào là cổ viên lãnh (cổ tròn).

Tất cả hình ảnh nhà đấu giá đính kèm trong catalogue đều cho thấy vua Bảo Đại mặc áo bào cổ tròn. Thậm chí, các hình này đều là chân dung Bảo Đại khi đã hoàn thành tu học ở Pháp và trở về Việt Nam, chứ không phải bộ ảnh Lễ đăng quang năm 1926.

Như vậy, trên lý thuyết nếu không có bằng chứng hình ảnh và ghi chép thì không thể quả quyết long bào này từng thuộc về vua Bảo Đại, chứ đừng nói tới việc ông mặc lễ phục này trong Lễ đăng quang hay không.

Từ các nguồn tư liệu, họa sĩ La Quốc Bảo nhận định chiếc long bào này được may từ một cuộn vải đã thêu sẵn theo dáng áo Việt Nam, và có thể tuỳ biến các dạng thức khác nhau: Áo tấc, áo bào cổ tròn, áo bào cổ chéo.

Việc này hoàn toàn phù hợp khi lễ phục trong cung phần lớn đều được thêu/dệt sẵn và cất trữ đến khi cần thì đem ra cắt may theo số đo và tùy biến cho các dạng thức khác nhau.

Phụng bào của Đức Từ Cung (Đoan Huy hoàng thái hậu) và phụng bào của Nam Phương hoàng hậu là điển hình, tuy khác chất liệu nhưng hoa văn gần như khớp nhau.

“Hợp tác với Đức Nicolas - một chuyên gia mỹ thuật Việt Nam nổi tiếng ở Paris, Pháp, chúng tôi phát hiện ra một chiếc áo giống hệt từng được lưu trữ tại Bảo tàng Khải Định, và chủ nhân gốc chính là vua Đồng Khánh.

Như vậy, có thể nói chiếc long bào mà Delon - Hoebanx sắp đưa ra đấu giá là cổ vật thật. Tuy nhiên không có bằng chứng thuộc về vua Bảo Đại, nhưng lại có thể thuộc về vua Khải Định hoặc Đồng Khánh, thậm chí trước đó nữa”, họa sĩ La Quốc Bảo cho hay.

“Giả thuyết của tôi là triều đình Huế khoảng thời Đồng Khánh (1885 - 1889, hoặc trước đó nữa) đã mua được một cuộn vải xưa chưa cắt may từ Trung Quốc. Xét lại cũng không xa so với giai đoạn lối thêu này đang thịnh hành (1840 - 1870). Sau đó cho thợ thêu học theo rồi thêm thắt, phủ đầy các vị trí còn thiếu, ra được phom dáng chuẩn “Đại Nam” nhưng thẩm mỹ lại rất “Đại Thanh”, họa sĩ La Quốc Bảo cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ