- An ơi, cháu soạn đồ xong chưa?
- Cháu soạn sắp xong rồi ngoại ơi!
- Ừ. Ngày mai, mấy cô chú ở thôn sẽ sang nhận để chuyển lên miền núi cho các em nhỏ nghèo rồi đấy! Đã hơn 9 giờ tối, An vẫn ngồi trong phòng, tỉ mẩn soạn từng bộ áo quần cũ và xếp gọn trong một chiếc túi ni lông trắng được ngoại chuẩn bị sẵn.
Có bộ áo quần mùa hè, có bộ áo quần mùa đông, có áo cộc tay, áo dài tay. Hai cái mũ len màu cánh dán vẫn còn mới, mấy đôi tất chân màu hồng xinh xinh, đẹp mắt và cả chiếc khăn len màu mận chín nữa… Mùi vải quyện trong mùi long não được ngoại để ở bốn góc rương thoảng lên hương thơm đặc biệt khiến trái tim An rộn lên cảm xúc vui vui rất lạ.
Chúng đều là những bộ đồ đã ngắn, đã chật so với tuổi lên 10 của An hiện tại. An nghĩ, mình sẽ tặng hết cho các em nhỏ vùng cao vì ngoại An bảo, các em trên ấy nghèo lắm, khổ lắm, mùa đông vẫn phải đi chân đất, mặc áo cộc, da và môi tím ngắt, người run cầm cập vì lạnh…
An nghe ngoại và các cô ở thôn nói chuyện về hoàn cảnh của các em mà không khỏi buồn buồn. Nhà ngoại An không giàu nên An không có tiền để cho. An nghĩ, thay vì cho tiền hay những món quà xa xỉ, An sẽ tặng quần áo cũ, xem đó như tấm lòng An gửi đến để động viên những người bạn, người em nghèo mà mình chưa từng quen, chưa từng gặp bao giờ.
Con bé nói với ngoại của nó về những bộ quần áo cũ đang được cất trong rương sắt đầu giường bằng vẻ háo hức. Bà Lan vừa mới gật đầu mỉm cười đồng ý thôi, ngay lập tức, nó đã vào phòng, mở rương và bắt đầu công việc ngay. Lòng An khấp khởi vui, cứ như chính mình sẽ được nhận món quà ấy vậy.
Bà Lan đứng bên ngoài cửa phòng nhìn cháu gái ngồi gấp những bộ đồ cũ, lòng cảm thấy rưng rưng, xúc động.
- Con bé thế mà giàu lòng trắc ẩn. Bà Lan lẩm nhẩm trong miệng rồi nghĩ. Giá như mẹ con bé còn sống thì chắc sẽ tự hào về nó lắm. Đôi mắt bà sụp xuống, từng lớp da nhăn nheo xô lại trên khuôn mặt già nua của người đàn bà tảo tần, lận đận sắp bước sang tuổi lục tuần. Bà nhớ đến con gái, nhớ lại vụ tai nạn thương tâm cách đây bảy năm. Rồi bà lại nhìn con bé, đôi mắt bà nhòe đi như làn sương thu mờ đục. Bà nâng ống tay áo lên khẽ quệt đi giọt nước mắt sắp chực trào, định quay đi thì An liền gọi:
- Ngoại ơi, còn chiếc áo ấm này thì sao hả ngoại? Con thích chiếc áo này quá. Con giữ lại được không?
- Chiếc áo nào đâu? Đưa ngoại xem? Bà Lan bước vào trong phòng cũng vừa lúc An lôi từ trong đáy rương ra chiếc áo ấm màu hồng phấn vẫn còn thơm tho mùi vải. Bà ngồi xuống bên cháu gái, nhẹ nhàng nâng chiếc áo thẳng thớm ấy lên, giọng bỗng chùng xuống ngùi ngùi:
- Đây… đây…, đúng rồi. Đây là chiếc áo mẹ Linh đã mua cho cháu khi cháu tròn 3 tuổi. Đó cũng là… Thấy ngoại ngập ngừng, con bé An lại hỏi:
- Ngoại bảo mẹ Linh đi xa. Vậy khi nào mẹ sẽ về với cháu hả ngoại? Cháu nhớ mẹ nhiều lắm. Cháu nhớ cả ba nữa.
- Ờ… Giọng bà Lan đặc quánh lại. Nhìn đứa cháu ngây thơ, tội nghiệp ngơ ngác như con chim non chưa đủ lông đủ cánh, lòng bà thắt lại đau đớn.
Gần mười năm nay, bà đâu dám nói thật cho nó biết rằng mẹ nó đã chết vì tai nạn giao thông. Còn ba nó thì đã bỏ đi biệt tích. Bà biết nếu nói ra, con bé sẽ bị tổn thương, sẽ buồn bã lắm. Thế nên… bà nuốt nỗi đau trong dạ, gắng gượng bước qua khó khăn để sống vì đứa cháu ngoại duy nhất, để con bé được vui vẻ sống đúng với tuổi thơ của nó và để nó không cảm thấy cô đơn, mặc cảm vì thiếu vắng hơi ấm của cả ba lẫn mẹ.
Con bé rất thích chiếc áo ấm ấy. Tuy không còn mặc vừa đã lâu nhưng mỗi khi đông về ngang ngõ, nó lại mở rương lấy chiếc áo đó ra ngắm nghía, hít hà. Nó bảo với bà, mỗi lần cầm chiếc áo trên tay hay áp vào trước ngực, cảm giác ấm áp cứ lan tỏa tựa như hơi ấm của ngoại vẫn thường ôm nó vậy. Nghe cháu nói, bà Lan lại nghĩ đến con gái, lại chực khóc rồi len lén lau nước mắt một mình.
Bảy năm rồi, con bé An ở với bà. Hình ảnh về mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da trắng, nụ cười má lúm cứ thấp thoáng trong ý nghĩ của An. Mẹ hiền lành, khéo léo, học giỏi nhưng vì nhà nghèo nên đành nghỉ học giữa chừng... Rồi mẹ lấy ba như thế nào… An thích nhất mỗi khi kể về mẹ, ngoại thường bảo:
- Nhìn cháu và mẹ Linh cứ như hai giọt nước ấy. An vui sướng lắm không gì diễn tả nổi vì được khen giống mẹ. Nhưng mẹ đi xa là đi đâu, ở nơi nào thì An vẫn không biết. Vì ngoại không kể bao giờ.
Một chiều đi học về đến ngõ, An tình cờ nghe được câu chuyện của ngoại và bà Thắm, em ruột của ngoại ở trên phố mới về.
- Tội nghiệp cho cái Linh nhà mình. Nó mất mới tròn 25 tuổi. Giá như chiều hôm ấy, trời không mưa, đường không trơn trượt và thằng Trường không đi nhậu thì... Bà Thắm thở dài. Bà Lan nuốt vào trong nỗi đau bấy lâu chất chứa, giọng như phân trần:
- Có trách là trách ông trời, trách số con Linh bạc mệnh. Cũng may, khi ngã xe, con bé An bị văng vào lề đường nên không bị xe cán.
- Sau chuyện ấy, thằng Trường bỏ đi biệt tích. Chắc có lẽ vì cảm thấy ân hận, cảm thấy có lỗi nên không về làng này nữa. Kể cả việc nhìn mặt con gái, nó cũng không dám. Bà Thắm cắt nghĩa.
- À mà chiếc áo ấm màu hồng phấn con Linh mua cho con gái nó, chị vẫn giữ chứ? Bà Lan nghe em gái nhắc đến cái áo ấm ấy liền nhớ đến chuyện con bé An.
- Tôi vẫn nhớ như in chiều hôm đó, nó đi làm về, khoe vừa được nhận lương của Công ty May Phát. Nó chờ mãi vẫn không thấy thằng Trường về nên lấy xe chở con đi mua đồ. Năm ấy cũng mùa này… Mưa lâm thâm. Trời rét căm căm. Đường đất đỏ quạch, trơn quánh. Hai mẹ con nó đi với niềm hân hoan chưa từng có. Nhưng đâu thể ngờ, đó cũng là lần cuối...
An đứng tựa nơi vách tường bên hông nhà lắng nghe toàn bộ câu chuyện. Nó bắt đầu hiểu và khóc. Rồi con bé lững thững lê từng bước vào sân trước sự ngỡ ngàng của ngoại nó và bà Thắm. Nó đi thẳng vào trong nhà, mở rương sắt, lấy cái áo ấm màu hồng phớt ra, hai tay nâng lên áp vào trước ngực, miệng bật lên từng tiếng: “Mẹ ơi… mẹ ơi!”.
Bà Lan đứng vịn cửa nhìn An, môi mấp máy nói lời xin lỗi vì đã giấu chuyện bấy lâu nay. Nước mắt bà cứ thế chảy ròng. An không trách ngoại. Nó chạy đến đứng trọn trong vòng tay của ngoại, tay vẫn ôm chặt lấy chiếc áo ấm trước lồng ngực. Nó cảm nhận được hơi ấm của mẹ cũng đang bao bọc, chở che cho nó như vòng ôm của ngoại vậy.