Gửi ước vọng đầu Xuân vào Lễ hội “rước Vua giả” ở làng Nhội

GD&TĐ - Khi những cơn mưa phùn bắt đầu lắc rắc trên những cành đào phớt hồng đang hé nụ, hay đậu nhẹ trên khăn áo người qua đường, đó là lúc mùa xuân về. Mùa xuân có một thứ sắc khí ấm áp nhưng rộn ràng và tràn đầy nhựa sống. 

Gửi ước vọng đầu Xuân vào Lễ hội “rước Vua giả” ở làng Nhội

Tiết xuân khiến cho vạn vật dường như bừng sáng hơn, hứa hẹn sự sinh sôi nảy nở đang diễn ra âm thầm chỉ chực chờ khoe thắm. Mùa xuân, có lẽ vì thế là mùa của lễ hội, bởi ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội xuân chính là để cầu mong mang lại những gì tốt đẹp nhất cho dân làng.

Làng Nhội - tên thường gọi của làng Thụy Lôi – nằm tận cùng của xã Thụy Lâm - Đông Anh, nơi tiếp giáp với Sóc Sơn - Hà Nội và Yên Phong - Bắc Ninh. Ngôi làng trù phú nằm bên con sông Cà Lồ, quanh năm đỏ nặng phù sa bồi đắp cho cả một vùng lúa ngô xanh tốt.

Dòng sông uốn khúc quanh co chiều chiều in bóng diều trên bờ đê lộng gió. Thoảng lại vang lên một điệu cười con trẻ giòn tan trong bóng chiều tà. Bờ đê cao, nhìn từ trên ấy sẽ thấy cả cánh đồng rộng lớn. Ngày mùa, lúa nếp cái hoa vàng trĩu những hạt vàng mẩy căng tròn trịa lao xao trong gió thu

Đền Sái nằm trên đỉnh núi Thất Diệu Sơn, còn gọi là núi Sái, ở chính giữa cánh đồng làng Nhội. Đây là ngôi đền thiêng thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ, tương truyền khi xưa là người giúp Vua Thục An Dương Vương diệt trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa. Để ghi nhớ công ơn của người, Vua đã cho xây dựng ngôi đền này.

Sau khi Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long, ông đã về đây để cầu đức Huyền Thiên Trấn Vũ, về sau Nhà Vua xin rước huệ diệu về kinh thành. Huyền Thiên Trấn Vũ được lập đền thờ tại Quán Thánh và trở thành một trong Thăng Long tứ trấn. Như vậy, đền Sái, nói cách khác là đền thờ gốc của đền Quán Thánh bây giờ ở Hà Nội.

Qua thời gian, ngôi đền vẫn giữ được những nét thâm trầm, cổ kính và nhiều hiện vật quý giá. Mỗi một viên đá, gốc cây, đến những nét chạm khắc trên những hiện vật đều có ý nghĩa riêng đặc biệt. Sau đền có giếng Tiên quanh năm nước dâng lên trong vắt, uống một ngụm nước giếng Tiên, sẽ cảm thấy tâm thanh tịnh và sảng khoái vô cùng.

Cứ vào ngày 11 Âm lịch tháng Giêng hàng năm, trong không khí ấm áp của mùa xuân, làng Nhội lại rộn ràng tiếng chiêng trống, tưng bừng cờ hoa của lễ hội “Rước Vua giả”, nét đẹp văn hóa đặc sắc nhất khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Tương truyền khi xưa, sau Lý Thái Tổ, các vị Vua hàng năm đều về đền Sái để bái lễ tưởng nhớ công lao của đức Thánh Huyền Thiên, về sau thấy việc đi lại tốn kém, vất vả cho dân nên đã ban lệnh cho phép dân được thực hiện nghi lễ rước Vua giả.

Lễ hội rước Vua giả với người làng Nhội, không đơn thuần là việc diễn lại tích xưa, trong thâm tâm của họ, nó chính là lễ hội cầu chúc những điều may mắn và gửi gắm những hi vọng vào một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.

Để chuẩn bị cho lễ hội, dân làng chọn cử các cụ cao niên còn song toàn, có sức khỏe tốt và được nhân dân tín trọng để thực hiện nghi lễ rước Vua. Đoàn rước gồm có kiệu Chúa, kiệu Vua, kiệu quan Trấn Thủ, quan Đề Lĩnh, quan Tán Lý.

Ngay sau Tết Nguyên Đán, các gia đình, dòng họ có người tham gia vào lễ hội đã nô nức chuẩn bị bánh trái, chọn cử các trai tráng khỏe mạnh trong họ, các cô gái xinh đẹp, đoan trang để tham gia vào đoàn rước.

Không khí của cả làng rộn ràng tưng bừng và náo nhiệt. Nhiều gia đình cất rượu quê từ gạo nếp hoa vàng - thứ gạo đặc sản ở nơi đây. Hương vị nồng cay của rượu cất từ loại nếp này khiến bất cứ khách quý phương xa nào đến nơi đây cũng không thể chối từ.

Hương rượu không sộc thẳng vào cánh mũi của khách tửu mà chỉ nhẹ nhàng, giống như một thứ mê hương để đến lúc bắt đầu trở về nhà mới chìm vào giấc ngủ một cách thanh thản, tựa hồ không phải say men.

Những người phụ nữ Nhội đem gạo nếp ấy, gói bánh chưng, thứ quà quê đặc sản của nơi đây. Bánh chưng Nhội giống chiếc bánh tét dài của người miền Nam, được gói bằng lá dong, lá chít. Nhìn qua, chẳng khác chiếc bánh chưng của những nơi khác, nhưng ăn thử một miếng bánh Nhội rồi thì sẽ không ngừng ăn tiếp được.

Bánh Nhội nhuyễn chặt phần vỏ gạo, vừa dẻo vừa thơm, chứ không rời rạc. Nó được gói chặt tay, luộc chín kĩ rồi đem lăn kĩ cho nếp chín nhuyễn lại. Cái dẻo thơm của gạo nếp, cái bùi béo của đậu xanh và mỡ lợn, vừa khiến người thưởng thức cảm nhận sự no đủ, vừa cảm nhận sự chân tình và quyến luyến.

Từ sáng sớm ngày 11 Âm lịch, khi tiếng trống báo hiệu vang lên, các trai tráng sẽ rước Vua, Chúa cùng các quan tập trung ở tại sân đình rồi rước lên đền Sái.

Tại đền Sái, Vua sẽ thực hiện các nghi lễ, và diễn lại tích diệt tinh gà trắng khi xưa. Trong màn sương khói mờ ảo, trong tiếng chiêng trống rộn ràng, người xem sẽ thấy mình như trở lại không khí một của một thủa cha ông thời trước bởi lẽ những người tham gia đoàn rước là người thật đóng giả Vua, Chúa.

Khác hẳn so với các lễ hội rước Vua khác. Đây cũng chính là điểm đặc biệt tạo nên nét đặc sắc cho lễ họi của làng Nhội.

Sau khi kết thúc nghi lễ trên đền Sái, kiệu Chúa sẽ đi trước dẹp đường. Ông chúa tay cầm kiếm, mặt đỏ, ngồi trên kiệu cao, vừa di chuyển vừa diễn lại tích trò khi xưa. Đoàn trai tráng khỏe mạnh vừa rước kiệu chúa, vừa reo hò.

Thỉnh thoảng kiệu chúa được lao đi như tên bắn trên tay các trai đinh trong làng, có lúc lại quay tròn như đang bay trên không khiến cho người xem không khỏi phấn khích. Cụ Chúa cũng liên tục cầm kiếm ngồi trên diễn trò như đang chỉ huy quân đánh giặc.

Tiếp theo sau kiệu Chúa là kiệu Vua và các quan. Trên suốt chặng đường dài từ đền trở lại đình làng chừng cây số, giữa cái tiết xuân phơi phới sức sống, giữa màu xanh non rạo rực của những ruộng lúa đương thì ở hai bên đường, hình ảnh đoàn rước cùng tiếng reo hò tưng bừng của người dân và khách thập phương, quả là một hình ảnh đẹp. Nó giống như tiếng gọi mời mùa xuân, giống như âm thanh mừng vui của lòng người, giống như niềm hân hoan đang rạng ngời khắp đất trời của làng Nhội.

Làng Nhội đã vào xuân bằng chính âm thanh rộn ràng, hân hoan của lòng người trong ngày “Hội rước Vua giả” vô cùng đặc sắc.

(Làng Nhội là tên thường gọi của thôn Thụy Lôi - xã thụy Lâm - Đông Anh- Hà Nội)

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ