Chia sẻ với băn khoăn của phụ huynh

GD&TĐ - Chia sẻ khó khăn trong bối cảnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường giữ ổn định học phí trong năm học 2021 - 2022. Thông điệp trên nhận được sự đồng tình từ phụ huynh và sinh viên. 

Sinh viên đóng học phí cho năm học mới.
Sinh viên đóng học phí cho năm học mới.

Học phí dự kiến tăng cao

Phương án tuyển sinh năm học 2021 - 2022 ở nhiều trường được công bố cho thấy mức học phí tiếp tục tăng.

Đơn cử, học phí Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) tăng thêm 5% so với năm 2020 (tức tăng 30.000 đồng/1 tín chỉ). Học phí một tín chỉ thực hành hệ đại trà là 810.000 đồng (năm 2019 là 755.000 đồng/1 tín chỉ). Học phí tín chỉ lý thuyết là 630.000 đồng/1 tín chỉ (năm 2019 là 585.000 đồng).

Trường Đại học Luật TPHCM, các ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, ngành Quản trị - Luật và Quản trị kinh doanh cùng mức học phí là 18 triệu đồng/năm; Lớp Ngôn ngữ Anh là 36 triệu đồng/năm (tăng khoảng 5%). Riêng hai lớp chất lượng cao, gồm ngành Luật (tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Anh) và Quản trị kinh doanh có mức học phí đến 45 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), mức học phí năm học 2021 - 2022 dự kiến tăng 5%. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng mức học phí dự kiến cũng tăng khoảng 10% ở các chương trình đại trà. Riêng nhóm ngành sức khỏe, học phí dự kiến tăng trên 20% so với mức năm ngoái.

Một số trường, thậm chí công bố mức học phí tăng gấp đôi. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu học phí các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt là 32 triệu đồng mỗi năm; các ngành cử nhân thu 28 triệu đồng, áp dụng cho tất cả sinh viên, không phân biệt hộ khẩu. Mức học phí này tăng mạnh so với năm ngoái (năm 2020 sinh viên có hộ khẩu tại TPHCM đóng 14,3 triệu; hộ khẩu ngoài TPHCM đóng 28,6 triệu).

PGS.TS Ngô Minh Xuân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: Học phí 32 triệu một năm thật ra là thấp so với mặt bằng chung các trường đào tạo Y dược trong nước, còn so với các trường ở khu vực thì thấp hơn 10 - 15 lần.

 “Tăng học phí khi thực hiện tự chủ đại học là tất yếu. Dù học phí tăng nhưng thực tế ở nhiều trường mức thu vẫn chưa đủ so với chi phí đào tạo. Mặt khác, chi phí đào tạo ngành Y dược thường gấp 4 - 5 lần các ngành nghề khác. Nếu học phí không tăng, trường không có kinh phí trả lương cao giữ chân giảng viên giỏi” - PGS Ngô Minh Xuân nói.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào HUFI.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào HUFI.

Phụ huynh, thí sinh đắn đo

Học phí tăng khiến phụ huynh đắn đo, cân nhắc khi chọn trường cho con. Ông Trần Xuân Sơn - phụ huynh của em Trần Xuân Trung - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết: Con dự kiến đăng ký xét tuyển vào ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Nghe thông tin về mức học phí dự kiến tới 25 triệu đồng/năm, tôi băn khoăn vì thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 14 triệu đồng/tháng.

“Ngỡ học phí như mọi năm (khoảng 12 - 14 triệu đồng), tôi cùng con trai chung ý tưởng dự định xét vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Nhưng với mức học phí tăng mạnh như năm nay, gia đình băn khoăn xem xét. Bởi sợ không kham nổi học phí cho con” - ông Sơn nói.

Quan ngại về tình trạng các trường khi thực hiện tự chủ đồng loạt tăng học phí qua từng năm, một số phụ huynh lo lắng học sinh ở vùng quê nghèo sẽ không còn cơ hội bước chân vào đại học. Chị Nguyễn Thị Nhàn - quê Đắk Nông bày tỏ lo lắng: Đây là số tiền lớn với những gia đình có nguồn thu nhập chính từ nương rẫy.  

“Nhà tôi có hai đứa con đang học lớp 11 và 12. Đứa học lớn năm nay tính xét tuyển vào một trường ở TPHCM. Nhưng với mức học phí lên tới hàng chục triệu/năm học, vượt xa khả năng của gia đình. Con thì vẫn muốn học lên để có nghề lập thân, nhưng với tình hình hiện nay, tôi sẽ phải khuyên con đi học nghề” - chị Nhàn cho biết. 

Cần sự chung tay và chia sẻ

Chia sẻ khó khăn với phụ huynh và thí sinh sau một năm dài vật lộn với dịch Covid-19 là chủ trương của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 cũng như mong muốn của người dân.

Tuy nhiên, nhiều trường đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, việc không tăng học phí theo lộ trình gần như là rất khó. Thực tế, các trường ngoài công lập và tự chủ tăng học phí hàng năm nhằm gia tăng chính sách tiền lương, thu nhập để giữ  đội ngũ giảng viên tốt cho mình. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh về chất lượng đào tạo, để thu hút người giỏi về trường cần có cơ chế tài chính tốt.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng HUFI cho rằng: Muốn đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới hội nhập quốc tế, chính sách đầu tư vật chất, thu hút nhân tài không thể không thực hiện. Mà muốn thực hiện tốt điều đó trong bối cảnh người giỏi ít, ngoài môi trường học thuật, nghiên cứu khoa học tốt, hiện đại, cơ chế đãi ngộ phải tốt.

“Học phí vì thế buộc phải biến động theo cơ chế trượt giá của thị trường. Tất nhiên, không thể mượn danh tự chủ để tăng học phí một cách vô tội vạ, nhưng về cơ bản bất cứ trường nào theo cơ chế tự chủ buộc phải tính bài toán cân đối thu chi nhằm tạo sự phát triển mang tính bền vững. Hiện, HUFI dự kiến tăng học phí chỉ 5% nhưng các chính sách tín dụng, học bổng, hỗ trợ sinh viên khó khăn của nhà trường rất tốt. Chúng tôi bảo đảm không sinh viên nào phải nghỉ, bỏ học vì khó khăn tài chính” - PGS.TS Xuân Hoàn khẳng định. 

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT cho rằng: Tăng học phí, trách nhiệm giải trình là quan trọng nhất. Khi tăng học phí, nhà trường cần giải trình cho người học sẽ mang lại lợi ích gì cho họ. Trong thời gian qua, chúng ta làm rất yếu vấn đề này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.