Phải có lộ trình tăng học phí
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ từ một phần đến toàn phần, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những đơn vị thực hiện theo cơ chế đổi mới về học phí. Cho đến nay, nhà trường vẫn thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 86/2015 của Chính phủ, mức học phí bảo đảm công khai, minh bạch và công bố học phí cho toàn khóa; mức tăng không quá 10%/năm và thực tế hiện nay là khoảng 5%/năm.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, học phí là một yếu tố rất quan trọng nhưng để bảo đảm cho người học có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với GDĐH, nhà trường dùng đến quỹ học bổng. Với mức học phí như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần có những giải pháp căn bản hơn về vấn đề tài chính.
Còn theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường. Tuy nhiên, việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. “Thực tế đến nay, chính sách học phí của nhà trường cơ bản ổn định. Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần. Vì vậy, việc nâng học phí là điều không thể tránh khỏi” - PGS Hoàng Minh Sơn trao đổi, đồng thời cho rằng, việc tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng, miền khác nhau.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Mức thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ
Cũng theo PGS Hoàng Minh Sơn, không phải các trường tự chủ là không được Nhà nước cấp kinh phí, mà sẽ được cấp theo một hình thức khác. Sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Vì vậy, học phí các em đóng vào chưa phải là 100% chi phí đào tạo, mà mới là một phần đầu tư vào cơ sở vật chất của nhà trường. “Chúng ta cũng cần tính toán để sinh viên thấy rõ, việc đóng góp của mình là chính đáng, là được đầu tư trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đào tạo. Khi đó chắc chắn các trường sẽ nhận được sự đồng thuận của sinh viên và phụ huynh”, PGS Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết, mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ, sẽ thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường hiện nay.
Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và sắp tới là Nghị định hướng dẫn Luật này có hiệu lực thì đối với các cơ sở GDĐH công lập sẽ thực hiện theo Điều 65 của Luật này. Theo đó, các cơ sở GDĐH đáp ứng những quy định của Khoản 2 Điều 32 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, đồng thời bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì sẽ được tự chủ xác định mức thu học phí. Tuy nhiên, việc xác định mức thu học phí vẫn phải căn cứ vào định mức thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toán, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin.
Cũng theo PGS Nguyễn Thị Thu Thủy, các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí GD-ĐT. Các trường sẽ lấy đó làm căn cứ để ra quyết định, cùng với đó các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.
PGS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, trước mắt từ nay đến ngày 31/12, các cơ sở GDĐH công lập phải thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường (HĐT). Cụ thể đối với các cơ sở thành lập HĐT, hiệu trưởng thống nhất với đại diện cơ quan trực tiếp quản lý về số lượng, thành phần, cơ cấu của HĐT; đồng thời tổ chức quy trình bầu Chủ tịch HĐT và các thành viên trong hội đồng. Ngoài ra, hiệu trưởng trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận HĐT, chủ tịch HĐT. Hiệu trưởng đang đương nhiệm được tiếp tục đến hết nhiệm kỳ.
Đối với các đơn vị kiện toàn HĐT, cần chỉnh sửa quy chế tổ chức và hoạt động của trường theo quy định của Luật, trong đó quy định số lượng, thành phần, cơ cấu của HĐT; Chủ tịch HĐT tổ chức kiện toàn HĐT theo quy định của Luật và trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận HĐT, chủ tịch HĐT; Hiệu trưởng đang đương nhiệm được tiếp tục đến hết nhiệm kỳ.