Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM tròn 30 năm tuổi: Khẳng định sự đúng đắn của chiến lược xây dựng và phát triển

Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM tròn 30 năm tuổi: Khẳng định sự đúng đắn của chiến lược xây dựng và phát triển

Với sứ mệnh đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành GTVT các tỉnh phía Nam, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM (tiền thân là Trường ĐH GTVT – Cơ sở II) đã vươn mình trở thành một trong những đơn vị trọng điểm trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng và chuyển giao công nghệ.

Lấy chất lượng làm lực đẩy phát triển

Được thành lập từ năm 1990, Trường ĐH Giao thông Vận tải – Cơ sở IIđã xác lập rõ vai trò và mục tiêu từ những ngày đầu là đào tạo nguồn cán bộ chất lượng ngành GTVT cho khu vực phía Nam. Vì thế, lãnh đạo nhà trường đã đặt nền móng đơn vị trên hai trụ cột: đội ngũ giảng viên (GV) và chất lượng đào tạo gắn với NCKH. Nền móng vững chắc này tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo nhà trường phát huy và đẩy mạnh, đặc biệt là từ thời điểm Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM được thành lập năm 2016 trên cơ sở chuyển đổi từ Cơ sở II trước đây.

Không chỉ thường xuyên gia tăng quy mô đội ngũ, chuẩn hóa trình độ GV đáp ứng nhu cầu đào tạo thực tế của đơn vị thông qua các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ tại các dự án trọng điểm phía Nam, Nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu của GV gắn với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương ở khu vực phía Nam. Điển hình nhất là việc Nhà trường là cơ sở giáo dục đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông và Hệ thống giao thông thông minh - ITS.

Với định hướng đúng đắn trong chiến lược phát triển, chỉ trong thời gian ngắn quy mô đào tạo đã gia tăng nhanh chóng với 100 sinh viên (SV) ban đầu, đến nay quy mô đào tạo của đơn vị xấp xỉ 7.000 SV và học viên cao học các hệ. Sức hút và thương hiệu của Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM thể hiện rõ qua quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh và cả tỉ lệ chọi. Nếu như năm 2015 số lượng thí sinh đăng ký/ chỉ tiêu đào tạo là 1,98 lần thì đến năm 2019, tỉ lệ là 6,7 lần.

Chính việc khuyến khích và thúc đẩy GV, SV nâng cao chuyên môn, giờ học thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, NCKH và chuyển giao công nghệ đã mang lại bước đột phá “thần kỳ” trong chất lượng đào tạo của đơn vị. Trong giai đoạn từ năm 2010-2020, phong trào NCKH của GV Phân hiệu phát triển cả về chất và lượng, nhiều đề tài cấp Bộ, cấp TP có tính ứng dụng cao, giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết xã hội nói chung và ngành GTVT nói riêng.

“Tiêu biểu như năm 2019, số lượng bài báo, báo cáo khoa học được đăng trên các Tạp chí, Hội thảo khoa học tăng 49.5% và số lượng bài báo quốc tế tăng 40% so với năm 2018. Đặc biệt, nhiều đề tài NCKH cấp Bộ và TP đơn vị từng thực hiện xuất sắc và tạo tiếng vang như đề tài: “Nghiên cứu nâng cao độ chính xác đo mođun đàn hồi của nền và các lớp vật liệu áo đường”, đề tài “Nghiên cứu giải pháp kết cấu và công nghệ thi công nhanh công trình cầu tại TP.HCM”...đã mang đến động lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cho toàn đơn vị.

Không chỉ khuyến khích, hỗ trợ Nhà khoa học, GV đơn vị đẩy mạnh các hoạt động NCKH song hành với hoạt động dạy học. Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM còn xây dựng và tạo ra nhiều sân chơi học thuật, NCKH cho SV, nhằm “gieo mầm” đam mê, bỗi dưỡng vun đắp tin thần sáng tạo trong SV, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Điển hình là chương trình “Hội thi mô hình chuyên ngành”, được tổ chức liên tục từ năm 2015 đến nay, qua 5 năm thực hiện đã có gần 100 mô hình, dự án nghiên cứu của SV tham gia tranh tài. Nhiều dự án NCKH đã vươn xa khỏi quy mô đơn vị khi đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi khoa học dành cho SV cấp thành phố và toàn quốc, tiêu biểu như mô hình “Robot do thám” của SV Phân hiệu được đại diện cho TP.HCM tham dự và được tuyên dương tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 2017 hay mô hình “Xe lăn điều khiển bằng chuyển động của đầu”, một sản phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, được hơn 40 đơn vị báo chí và truyền hình đưa tin.

Chuẩn hóa chương trình, đưa nguồn nhân lực hội nhập quốc tế

Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM tròn 30 năm tuổi: Khẳng định sự đúng đắn của chiến lược xây dựng và phát triển ảnh 1
SV Phân hiệu đang học tập, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trắc địa

Trong bối cảnh mà xu thế hội nhập quốc tế ngày một mạnh mẽ, buộc các đơn vị, cơ sở GDĐH phải chủ động chuẩn hóa chương trình đào tạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng thì Phân hiệu cũng không đứng ngoài xu thế chung ấy.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, cùng với Nhà trường, Phân hiệu đã thực hiện thành công việc KĐCL cơ sở giáo dục và KĐCL chương trình đào tạo cho 3 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kinh tế xây dựng, Khai thác vận tải, theo các tiêu chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT.

Ngoài 3 ngành đã đạt chuẩn KĐCL, các ngành còn lại đều là những ngành đào tạo truyền thống, có thế mạnh và chất lượng đào tạo tốt mà Phân hiệu đã định hình được với xã hội suốt thời gian qua như: Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật ô tô, CNTT, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điện, Kinh tế vận tải…. Hiện tỉ lệ SV ra trường có việc làm ngay của tất cả các ngành đào tại đều đạt trên 96%.

Hiện nay, Nhà trường đang xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, chú trọng đầu tư chiều sâu, có hiệu quả cho các NCKH đỉnh cao thuộc các lĩnh vực KHCN tiên tiến trong ngành GTVT, tạo ra đột phá mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Qua đó, gắn kết KHCN với đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học và nhu cầu của xã hội theo quan hệ đào tạo - NCKH - sản xuất, sớm đưa Phân hiệu trở thành đơn vị trọng điểm đào tạo nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Không chỉ chuẩn hóa trong chương trình đào tạo, Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM còn khá chủ động trong các hoạt động tham vấn, chuyển giao, sản xuất của mình nhằm cân đối thu chi, đảm bảo phúc lợi và đời sống CB-GV-CNV được tốt nhất. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây đơn vị đã đẩy mạnh việc hợp tác với các Tập đoàn quốc tế và các trường ĐH danh tiếng để đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Điển hình trong năm 2019, Phân hiệu đã chủ động hợp tác với các chuyên gia của Trường ĐH Derby Vương Quốc Anh tham gia đấu thầu cùng các chuyên gia nước ngoài khác, để thực hiện các đề xuất trong Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua NCKH và công nghệ (FIRST) do Ngân hàng thế giới (World Bank) tài trợ. Kết quả, Phân hiệu vinh dự là 1 trong 6 trường đại học của Việt Nam và là 1 trong 29 chuyên gia trên tổng số 600 chuyên gia tham gia đấu thầu (tỉ lệ chọi là 1/30) được Quỹ FIRST lựa chọn tài trợ để thực hiện đề xuất “Phát triển công nghệ mô phỏng số để thiết kế tối ưu lớp vật liệu mặt đường bê tông nhựa có khả năng kháng hằn lún trong điều kiện giao thông và khí hậu của Việt Nam” với giá trị tài trợ khoảng 107.000 USD.

Bên cạnh đó, Phân hiệu còn hợp tác với các chuyên gia của Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc) tham gia đấu thầu và trúng gói thầu Tư vấn quốc tế về Phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững hợp nhất cho TP.HCM thuộc dự án “Xây dựng tuyến Metro số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương với giá trị 600.000 USD.

Đồng thời, Phân hiệu đã phối hợp với Đại học Feng Chia (Đài Loan) tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam: Tầm nhìn và Giải pháp” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, GV và SV trong và ngoài nước. Qua đó, nâng tầm vị thế của đơn vị trong mắt bạn bè quốc tế.

Cơ sở II của Trường ĐH GTVT tại TP.HCM được thành lập vào ngày 27/4/1990 theo Quyết định số 139/TCCB của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Để phù hợp với quy định của luật GDĐH và Điều lệ Trường Đại học, ngày 15/7/2016 Bộ GD&ĐT ra quyết định số 2419/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM trên nền tảng cơ sở II trước đây.
30 năm xây dựng và phát triển, Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua đua của Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của các bộ, ngành; nhiều năm liền Phân hiệu đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.