Chia sẻ tâm huyết của một giáo viên mầm non

GD&TĐ - Gần đây một số vụ bạo hành trẻ khiến mọi người có suy nghĩ chưa đúng về giáo viên mầm non. Nhưng đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Nhiều năm gắn bó với công việc dạy trẻ, tôi thấy có rất nhiều những tấm gương giáo viên mầm non đáng quý, thầm lặng, hy sinh, yêu trẻ, yêu nghề hết mực.

Cô Chu Thị Kim và trẻ tại Trường mầm non 19/5 (Hưng Yên)
Cô Chu Thị Kim và trẻ tại Trường mầm non 19/5 (Hưng Yên)

Đó là những chia sẻ gan ruột của cô Chu Thị Kim - giáo viên Trường mầm non 19/5 (Hưng Yên) - trước một số thông tin giáo viên bạo hành trẻ trong trường học báo chí đưa mới đây. Hơn 20 năm làm nghề, bao buồn vui đã nếm trải với công việc đầy nhọc nhằn này, cô Kim tâm sự:

Là giáo viên mầm non thực sự vất vả vô cùng. Như bản thân tôi, buổi sáng, 6 giờ 45 phút đã phải có mặt ở trường để đón trẻ. Sau đó cho trẻ tham gia các hoạt động trong ngày, rồi cho các con ăn trưa; đến giờ ngủ trưa, khi các con ngủ, cô lại thức trông giấc ngủ cho các bé.

Buổi chiều cũng với vòng quay như thế và hết giờ trả trẻ thường đã 5 giờ chiều. Nhưng đó chưa phải là giờ nghỉ của giáo viên mầm non vì các cô phải quét dọn, vệ sinh lớp và chuẩn bị cho hoạt động ngày hôm sau, chưa kể những buổi tối ngồi soạn giáo án, làm đồ dùng đồ chơi phục vụ các hoạt động cho trẻ.

Cô cho trẻ ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết: kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, làm quen với toán, với chữ cái, với hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất,… và không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, sự trìu mến yêu thương.

Chưa dừng lại ở guồng quay công việc đó, bởi trẻ em vốn hiếu động, có trẻ quấy khóc, lười ăn, nghịch ngợm... Đôi khi các con nô đùa, xô đẩy bạn, chỉ một chút xước da, giáo viên cũng phải là người chịu trách nhiệm. Những điều đó, cộng với sự yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, áp lực cuộc sống… tất cả đè nặng lên đôi vai người giáo viên.

Làm sao để mỗi giáo viên mầm non làm hết khối lượng công việc ở trường, chăm sóc, giáo dục mấy chục trẻ mà lúc nào cũng dịu dàng và đầy yêu thương - điều đó cần tình yêu nghề, yêu trẻ thực sự.

“Công việc ở trường vất vả, khó khăn, trong khi đó vẫn phải lo cuộc sống gia đình khi đồng lương ít ỏi, có những giáo viên đã muốn bỏ nghề. Bản thân tôi luôn cố gắng tìm ra trong sự lo toan, vất vả ấy niềm vui trong công việc. Những lúc nghe trẻ ríu rít nói cười, hát ca kể chuyện,… bao nhiêu mệt mỏi trong công việc dường như tan biến.

Những đôi mắt thơ ngây ấy, những tiếng cười nói trong trẻo ấy, những đôi má ửng hồng phúng phính ấy… khiến tôi thêm gắn bó với nghề mặc dù biết có ngày càng nhiều áp lực xung quanh” - cô Chu Thị Kim chia sẻ.

Buồn, xót xa khi nhắc đến một số “con sâu làm rầu nồi canh”, cô Chu Thị Kim cho rằng, không gì có thể biện minh khi giáo viên xử lý tình huống bằng những cơn trút giận.

Nhưng cô giáo đã hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy trẻ cũng thiết tha mong mỏi các bậc phụ huynh, xã hội hãy đồng cảm hơn nữa, chia sẻ hơn nữa với những nỗi vất vả của cô giáo mầm non, giúp các cô hoàn thành tốt công việc của mình, thêm gắn bó với nghề, thêm yêu nghề, để trường mầm non mãi là nơi các cô gửi gắm đời mình và vun đắp cho mầm xanh đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ