Chia sẻ phương thức giáo dục đạo đức phong phú cho sinh viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường cần có quan điểm tiếp cận đúng về giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo nâng cao chất lượng công tác sinh viên và văn hóa học đường trong các trường đại học – cao đẳng giai đoạn hiện nay, diễn ra vào ngày 20/12 tại Trường ĐH Thủy lợi.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi nói: “Ngoài việc chú trọng vào công tác đào tạo nhằm nâng cao vị thế, nhiều năm qua, chúng tôi luôn chú trọng đổi mới các hoạt động phong trào cho sinh viên. Theo đó, nhà trường tổ chức tạo nhiều hoạt động thực tế nhằm nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên trong đó có cuộc thi “Sinh viên Thủy lợi với ý tưởng khởi nghiệp”.

GS. Nguyễn Trung Việt mong rằng, hội thảo là cơ hội để sinh viên, giảng viên được lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia đến từ các trường đại học và các nghiên cứu Trường ĐH Thủy lợi, qua đó hiểu rõ hơn làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo; văn hóa ứng xử học đường trong các trường đại học ở Việt Nam.

GS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi phát biểu.

GS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi phát biểu.

Cũng chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Cần có quan điểm tiếp cận đúng về giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, coi đạo đức, nhân cách là cốt yếu nền tảng, đưa những yêu cầu về phẩm chất, hành vi đạo đức cần hình thành ở sinh viên để làm chuẩn đầu ra, mục tiêu đào tạo.

Xây dựng và triển khai chương trình giáo dục đạo đức phong phú thông qua nhiều con đường, hoạt động khác nhau, có tính thực tiễn. Các bộ phận trong nhà trường hoạt động thống nhất, ăn khớp với nhau, quy trình triển khai bài bản từ quản lý đến vận hành cụ thể dựa trên nền tảng hệ thống trí thức về tâm lý, pháp lý và quản lý”.

TS. Phạm Thị Hải Yến – Trường ĐH Thủy Lợi cho biết: “Hiện nay, Trường ĐH Thủy lợi đang dạy cho sinh viên các môn kỹ năng mềm như: Kỹ năng mềm và tinh thần khởi nghiệp; phát triển kỹ năng quản trị; kỹ năng phán đoán.

Những môn học này giúp cho sinh viên đánh giá kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, ứng phó với mâu thuẫn. Để công tác giảng dạy hiệu quả, chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau như: kết hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Trong mỗi môn học cố gắng dành 70% thời gian cho sinh viên thực hành.

Ví dụ bài học về kỹ năng tạo ấn tượng ban đầu sinh viên học cách phỏng vấn xin việc. Trong quá trình thực hành, sinh viên có được 3 bài tập: bài 1: thuyết trình chủ đề liên quan đến nội dung 15 kỹ năng học tập, giao tiếp, lắng nghe, phản hồi, giao tiếp qua điện thoại, viết văn bản, thuyết trình, xác định giá trị bản thân, kiểm soát cảm xúc, quản lý thời gian, làm việc nhóm, ra quyết định, ứng phó với mâu thuẫn, ứng tuyển, quản lý sự thay đổi; bài tập 2: thuyết trình ngắn trong 3 phút; và bài tập 3: lên ý tưởng, trình bày ý tưởng khởi nghiệp”.

“Sau khi kết thúc môn học kỹ năng mềm cũng nhận được nhiều đề xuất từ sinh viên nên tăng thêm số tín chỉ; Tổ chức các hoạt động giao lưu, ngoại khóa; Thi cuối kì bằng hình thức vấn đáp/thuyết trình; Kết nối với các doanh nghiệp bên ngoài; Mở các lớp kỹ năng mềm cho sinh viên”, TS. Phạm Thị Hải Yến cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...