Chia sẻ giải pháp phát hiện sớm trẻ khuyết tật tuổi mầm non

Chia sẻ giải pháp phát hiện sớm trẻ khuyết tật tuổi mầm non

(GD&TĐ) - Hôm nay (25/7), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Phát hiện sớm trẻ khuyết tật tuổi mầm non. Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện các cơ quan chức năng, trường ĐH,  Viện nghiên cứu, các Sở GD&ĐT, các tổ chức quốc tế cùng các trường mầm non đã thực hiện tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
 

Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ những người thiếu may mắn vượt lên số phận, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Năm 2010, Luật Người khuyết tật được ban hành, là cơ sở pháp lý để đảm bảo cho thực hiện các quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.

Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành xây dựng nhiều văn bản để cụ thể hóa các quyết định của Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Người Khuyết tật.

Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học, bồi dưỡng về chuyên môn quản lý giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật được triển khai hàng năm. Bộ đã chỉ đạo xây dựng một số đề mục để hỗ trợ giáo viên tổ chức phong trào cho trẻ hòa nhập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ và cộng đồng.

Việc can thiệp sớm ngay từ lứa tuổi mầm non là hết sức quan trọng để góp phần tạo điều kiện cho trẻ phục hồi, hòa nhập và phát triển. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo một số địa phương xây dựng mô hình can thiệp sớm, bao gồm phát hiện đánh giá, can thiệp cá nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo
 

Mô hình hòa nhập người khuyết tật Việt Nam bao gồm giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và hướng nghiệp thanh niên khuyết tật, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Tuy nhiên, số lượng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật chưa nhiều. Số lượng GV được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở trường mầm non là thách thức với cán bộ quản lý vì hiện nay cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, sĩ số trẻ trên 1 nhóm lớp còn cao. Việc quan tâm đến các em hòa nhập còn khó khăn.

Theo quy định của Luật người khuyết tật, ở các trường giáo dục trẻ khuyết tật phải có nhân viên hỗ trợ. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng chức danh của nhân viên hỗ trợ GD hòa nhập trẻ khuyết tật. Chúng ta cũng đang thiếu những dịch vụ can thiệp sớm và phục hồi chức năng để đảm bảo chất lượng cho trẻ hòa nhập.

Thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, giáo dục hòa nhập thực hiện ở tất cả các cấp học để đến năm 2030 có 70% trẻ khuyết tật được đi học. Việc đảm bảo cho trẻ khuyết tật học ở trường mầm non là vô cùng quan trọng vì trường mầm non là môi trường hòa nhập tốt nhất cho trẻ trước khi học tiểu học.

Việc phát hiện sớm các khó khăn của trẻ để phát triển các hỗ trợ toàn diện cũng như hỗ trợ về giáo dục cho trẻ là điều kiện tiên quyết trong việc đảm bảo quyền của trẻ khuyết tật. Tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện hiện nay còn gặp khó khăn về nhận thức, về trình độ, năng lực của giáo viên, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, đặc biệt là nhận thức của phụ huynh đối với việc phát hiện và can thiệp sớm con em của mình bị khuyết tật.

Hội thảo phát hiện sớm trẻ khuyết tật tuổi mầm non được tổ chức là diễn đàn để chia sẻ thông tin về việc phát hiện sớm trẻ khuyết tật. Các đại biểu chia sẻ cách thức can thiệp sớm thông qua các bộ công cụ hiện đang sử dụng tại các cơ sở để xây dựng 1 bộ công cụ sàng lọc trẻ khuyết tật trong các cơ sở GDMN và trung tâm hỗ trợ phát triển GDMN.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề như: Chia sẻ thực trạng của việc phát hiện sớm các dấu hiệu khuyết tật ở trẻ mầm non; Thực trạng về năng lực, chuyên môn của GVMN về giáo dục đối với các đối tượng hòa nhập; Khả năng sử dụng các bộ công cụ, xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục và kĩ năng tư vấn phù hợp với cha mẹ trẻ trong việc phát hiện sớm trẻ khuyết tật.

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.