Chương trình có sự góp mặt của khoảng 100 nhà lãnh đạo trẻ là giáo viên, giảng viên, quản trị viên, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia khác trong độ tuổi từ 22-35 đến từ 10 quốc gia ASEAN và Timor Leste. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội thảo khu vực Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) 2023 về Đổi mới sáng tạo trong quốc tế hóa giáo dục đại học.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, điểm chung của YSEALI và Trường ĐH Ngoại thương là cùng hoạt động với mục đích phát triển kỹ năng và các năng lực cho giới trẻ, tương lai của đất nước, cũng chính là tương lai của khu vực và thế giới. Chúng ta cùng coi trọng nghiên cứu và sáng tạo đối với phát triển.
Xác định quốc tế hóa giáo dục là một trong những trụ cột trong quá trình phát triển, để quốc tế hóa giáo dục để giúp cán bộ giảng viên và sinh viên được tiếp cận và hòa mình trong môi trường quốc tế. Chúng tôi đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục quốc tế từ chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tiếp cận các đại học hàng đầu thế giới.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương phát biểu tại chương trình. |
Phần thảo luận bàn tròn đã diễn ra đầy sôi nổi giữa các diễn giả là các giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, đối tác doanh nghiệp của Trường Đại học Ngoại thương cùng các Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). PGS. TS Lê Thái Phong phân tích tính quốc tế hoá giáo dục của các chương trình đào tạo tiên tiến được thể hiện qua chương trình đào tạo được chuyển giao từ các trường đại học đối tác hàng đầu.
TS Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU cho biết: Thực hiện chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu chung - Trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Dưới góc độ sinh viên và cũng là cựu thành viên của YSEALI, Lê Minh Hiếu chia sẻ cơ duyên để hình thành ý tưởng khởi nghiệp của bản thân từ khi còn là học sinh bậc THPT. Bạn cho rằng việc kết nối với những người bạn trong quốc tế, đặc biệt là những người bạn cùng tham dự chương trình YSEALI đã mang đến cho anh nhiều kiến thức và ý tưởng mới.
Đại diện Trường ĐH Ngoại thương giao lưu với các Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. |
Bà Trần Thuỳ Trang - Giám đốc Nhân sự và Đào tạo, Deloitte Việt Nam cho biết để thu hút nhân sự Gen Z, Deloitte chủ động xây dựng nhiều chương trình và nền tảng đào tạo cho sinh viên. Trong đó nổi bật nhất là CURA, nền tảng học tập, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra nội dung học tập phù hợp cho người dùng dựa trên sở thích và vai trò cá nhân của họ.
Đề cập đến khái niệm “Neighbourhood effect”, Trần Đặng Kim Nguyên chia sẻ về hành trình phát triển bản thân trong 2 năm học tại Trường ĐH Ngoại thương của Á Vương 1 Ngoại thương. “Em tin rằng khái niệm này áp dụng không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cá nhân. Khi chúng ta được ở cạnh những người có cùng quan điểm, cùng mục tiêu, cùng sở trường".
Các Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á đã đặt nhiều câu hỏi thú vị cũng như xin lời khuyên từ các diễn giả của Trường ĐH Ngoại thương như: Làm sao để các cá nhân/các trường đại học hay tổ chức có thể tiếp cận giáo dục toàn cầu nếu như thiếu nguồn kinh phí và hỗ trợ, Chiến lược của Nhà trường khi tiếp cận với “khởi nghiệp” trong giảng dạy, tạo động lực học tập cho sinh viên...
Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là chương trình của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á. Chương trình được khởi xướng và công bố năm 2013 bao gồm trao đổi giáo dục và văn hóa Mỹ, giao lưu ở cấp độ khu vực và các quỹ tài trợ. YSEALI hướng tới xây dựng năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á và bồi dưỡng một cộng đồng ASEAN.