Chia sẻ bí quyết học của nam sinh Bách khoa không phải học sinh trường chuyên

GD&TĐ - Không sợ hãi, tự tin đương đầu với khó khăn là những gì Tuấn Anh đã làm trong suốt 3 năm qua để giành tấm vé tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trần Tuấn Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NC
Trần Tuấn Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NC

Trần Tuấn Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trúng tuyển thuộc diện xét tuyển tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội theo quy định của Bộ GD&ĐT, không cần trải qua vòng phỏng vấn hay viết bài luận.

Hành trình không hề dễ dàng

Với mong muốn con trai có môi trường học tập tốt nhất, bố mẹ Tuấn Anh đã quyết định chuyển từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xuống huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sinh sống. Nhờ đó, nam sinh có thể theo học tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - mái trường làng có nhiều thành tích học tập xếp tôp đầu toàn tỉnh.

Nam sinh trường làng nhen nhóm ước mơ trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm lớp 10. Đến năm lớp 11, em lần đầu được gọi vào đội tuyển chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học.

Lớp 12, Tuấn Anh giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia, ghi tên vào danh sách đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương và trở thành học sinh duy nhất không học trường chuyên của đội.

Để đạt thành tích cao như vậy, Tuấn Anh tự nhận bản thân đã trải qua hành trình đầy gian nan và có những giai đoạn rất áp lực.

“Trong khi các bạn trường chuyên được thầy cô định hướng và có môn học mũi nhọn từ sớm, em lại phát hiện khả năng của mình khá muộn. Thời điểm em ôn thi đội tuyển quốc gia, bản thân cảm thấy rất áp lực. Vì em mất thời gian dài tập trung vào môn chuyên, nên để đạt số điểm cao ở các môn như Toán, Vật lí, Hóa học trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội rất khó”.

Tuấn Anh tâm sự: “Đối với một học sinh trường thường, để chinh phục kỳ thi quốc gia hay quốc tế rất khó khăn. Em thấy hầu như khi nói về những cuộc thi như vậy, mọi người chỉ nghĩ đến học sinh trường chuyên hoặc trường điểm ở thành phố”.

Sau khi giành giải quốc gia, chắc suất đỗ vào ĐH Bách Khoa Hà Nội, Tuấn Anh cảm thấy cơ thể thả lỏng và tinh thần vô cùng thoải mái, vì mục đích em đề ra ban đầu đã đạt được.

“Với kết quả này, em cảm thấy rất hài lòng vì đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân để theo đuổi đam mê”, nam sinh chia sẻ.

Ngoài có năng khiếu đặc biệt đối với môn Tin học, em còn đạt chứng chỉ IELTS 8.0 khi vừa kết thúc năm lớp 9. Vào lớp 10, nam sinh tiếp tục được thầy cô Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bồi dưỡng và cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, với thành tích giải Ba môn tiếng Anh.

Nam sinh cho rằng, dù bản thân chuyển hướng theo đuổi môn Tin học, nhưng em vẫn dùng tiếng Anh hàng ngày để không lãng phí và có thể nghiên cứu, tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, kiến thức cao cấp ở nước ngoài.

Từ bỏ ý định du học

Ngày còn bé, Tuấn Anh từng nuôi ý định đi du học sau khi kết thúc chặng đường phổ thông. Tuy nhiên, khi lớn lên nhận thức dần thay đổi, em thấy môi trường học tập trong nước rất tốt và mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ phát triển.

Tuấn Anh cho hay: “Theo quan điểm cá nhân, em thấy ĐH Bách khoa Hà Nội có chất lượng đào tạo không kém cạnh trường nước ngoài là mấy, nên trong 4 năm tới em quyết định theo học trong nước. Tương lai nếu bản thân có cơ hội, em sẽ xem xét đến việc ra nước ngoài làm việc, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng ở Việt Nam”.

Dù không phải tham dự kỳ thi xét tuyển tài năng đầy cam go của ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng Tuấn Anh đánh giá rất cao độ khó của kỳ thi. Nam sinh nhìn nhận, những bạn trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển này chắc chắn rất giỏi và nỗ lực cao trong học tập.

“Bản thân em có một chút lo lắng, vì thời gian tới phải cạnh tranh với nhiều bạn học giỏi và chương trình học ngành Khoa học máy tính ở Đại học Bách khoa Hà Nội vốn nổi tiếng rất khó”, Tuấn Anh nói.

Do đang trong thời gian hè nên nam sinh cố gắng giữ tinh thần thoải mái, gặp gỡ và giao lưu, trò chuyện cùng bạn bè nhiều hơn, nhưng khi vào học chính thức, chắc chắn em sẽ tập trung cao độ và đặt ra mục tiêu rõ ràng.

Từ kinh nghiệm bản thân, nam sinh chia sẻ thêm, yếu tố quan trọng nhất để thành công đó là tạo tâm lí thoải mái và chăm chỉ, kiên định với mọi lựa chọn.

Đồng thời, Tuấn Anh luôn duy trì thói quen học tập hàng ngày, bởi thói quen tạo nên sức mạnh rất lớn: “Khi bản thân có thói quen lành mạnh và vạch ra kế hoạch rõ ràng, chắc chắn mọi khó khăn đều có hướng giải quyết. Ngoài ra, em còn dành thời gian tập thể dục và chơi âm nhạc, giải toả căng thẳng khi tập trung ôn thi”.

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 5.700 học sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, tăng 1,9 lần so với năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.

Trong số này, có 230 em thuộc diện tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, 930 học sinh xét bằng chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IB, AP). Xét hồ sơ kết hợp phỏng vấn là nhóm thứ ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.