Chuyển từ cách dạy thụ động một chiều sang dạy học tích cực, GV “chuyển vai”, trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, là “linh hồn” của quá trình đổi mới giáo dục. Và để GV toàn tâm toàn ý với việc giảng dạy, cần có sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ của ban giám hiệu (BGH) và các bộ phận liên quan.
Tiếp sức đổi mới
Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có một phòng tin học dành riêng cho HS sử dụng theo nhu cầu, ngoài những giờ học tin học. Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là cách để hỗ trợ GV đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Có những dự án học tập, HS phải tìm hiểu, tra cứu thông tin ngoài SGK, xây dựng bài thuyết trình, thiết kế PowerPoint… Ngoài phủ sóng wifi toàn trường để HS có thể sử dụng điện thoại thông minh phục vụ cho việc học, phòng tin học này sẽ góp phần hỗ trợ thêm phương tiện học tập hiện đại cho các em.
Máy chiếu cũng được trang bị tại tất cả lớp học. Theo chia sẻ của tập thể GV nhà trường, trước đây, khi chưa có máy chiếu, GV phải sử dụng bảng phụ hoặc đăng ký trước với phòng máy hàng tuần liền. Tài nguyên học tập từ các bài tập nhóm do HS làm vì vậy mà khó lưu trữ, bổ sung qua hàng năm. Việc trang bị máy chiếu tại các lớp học đã hỗ trợ GV và HS trong triển khai phương pháp dạy học tích cực, hiện đại.
Theo định hướng của BGH, các tổ chuyên môn của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học của tổ; phát huy tính chủ động học tập của HS, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học. Trong sinh hoạt chuyên môn, các tổ đổi mới nội dung sinh hoạt theo chuyên đề, thao giảng, dự giờ… tạo điều kiện cho GV nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp dạy học.
Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: Để hỗ trợ cho GV trong đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường thường xuyên mua sắm, bổ sung các trang thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, mẫu vật để GV và HS đủ điều kiện dạy – học các tiết thực hành, thí nghiệm, phát huy tối đa hiệu quả, công suất của phòng học bộ môn.
Tại các trường học, trong buổi gặp mặt phụ huynh khối đầu cấp, BGH đều giới thiệu Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như lộ trình triển khai, cách nhà trường thực hiện đón đầu phương pháp dạy học để bắt nhịp quá trình đổi mới. Bước truyền thông này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho GV khi triển khai dạy học theo dự án, tổ chức các nhóm học tập, triển khai các tiết học thực địa ngoài khuôn viên trường học…
Đổi mới cách dự giờ, thăm lớp
Thư viện Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) có một góc trưng bày những sản phẩm theo dự án học tập của HS và GV. Những “quyển sách” về đặc điểm địa lý, khí hậu, tài nguyên của Việt Nam được HS lớp 12 thực hiện qua dự án Việt Nam qua trang sách do cô Phạm Thị Ái Vân hướng dẫn. Cả chương trình Địa lý lớp 12 (học kỳ I) thu bé lại bằng một sản phẩm nhỏ xinh, có thể trở thành móc chìa khóa, mang được bất cứ nơi đâu phục vụ cho các sĩ tử ôn thi được cô Ái Vân biên soạn bằng cách sử dụng Infographic.
Dạy học qua dự án, STEM, tích hợp liên môn… là lộ trình để Trường THPT Trần Phú tiệm cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho hay: BGH giao quyền tự chủ đến các tổ chuyên môn trong xây dựng phân phối chương trình nhằm tăng tính sáng tạo, phù hợp với với thực tế của nhà trường, nguồn nhân lực của tổ và đặc thù của bộ môn. Nhà trường cũng đẩy mạnh việc sắp xếp chương trình các môn học và xây dựng chuyên đề, chủ đề dạy học.
Theo đó, mỗi tổ chuyên môn của Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) thực hiện ít nhất 5 chuyên đề dạy học/năm. Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, GV tổ chức các hoạt động để giúp HS lĩnh hội và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, chất lượng, tạo được hứng thú và niềm say mê học tập; không đặt nặng việc quan tâm giờ dạy của GV mà khuyến khích người dự giờ hướng đến người học.
Ngoài dự giờ theo kế hoạch, mỗi năm, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đều tổ chức thao giảng, hội giảng cấp trường. Thầy Nguyễn Quang Hưng, GV nhà trường thông tin: Những tiết thao giảng này có tính chất liên tổ để chia sẻ các kinh nghiệm trong phương pháp dạy học, cách thức tổ chức hoạt động học tập, sử dụng thiết bị, thí nghiệm…
Nếu trước đây, dự giờ, thao giảng là đánh giá đơn vị kiến thức, còn bây giờ là đánh giá việc thực hiện tổ chức các hoạt động dạy học như thế nào để phát triển năng lực HS. Dự giờ đánh giá do đó không còn hướng đến GV nữa mà hướng các em, là cách để GV giúp HS hình thành kiến thức - kỹ năng – thái độ sau mỗi bài học. Một bài dạy vì vậy không thể áp dụng cùng phương pháp và cách tổ chức cho các lớp học mà tùy thuộc vào mức độ tiếp nhận của HS.
Cũng theo thầy Nguyễn Quang Hưng, trong sinh hoạt chuyên đề, BGH Trường THPT Phan Châu Trinh định hướng những kiến thức cần khai thác, vừa bảo đảm chuẩn kỹ năng nhưng cũng lẩy ra những kiến thức, phương pháp pháp nâng cao, từ đó, tổ chuyên môn sẽ giúp GV chuẩn bị kỹ trước khi lên lớp, giúp HS có phương pháp tự học.