Dám đi đầu và đi nhanh là bí quyết các trường đã thực hiện trong thời gian qua.
Đột phá từ làm ngược
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điều này tại Hội thảo chuyển đổi số trong GD-ĐT. Theo Bộ trưởng, câu chuyện chính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là chúng ta có muốn, có dám hay không, chứ không phải là chúng ta có khả năng hay không. Nếu nói đến đột phá trong học đại học, chung quy về một chữ là “Ngược”.
Bộ trưởng Hùng phân tích: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội về sự làm ngược, nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá, nhưng không phải cho những người đi sau đi theo cách của người đi trước. Công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội.
Trước đây, đầu vào, cách học và dạy học là quan trọng; bây giờ, chuẩn đầu ra là quan trọng. Trước đây, các trường đại học so với chính mình nay so với các trường đại học khác. Trước đây, học cái đã có trong sách giáo khoa hiện học cả cái chưa có trong sách giáo khoa. Vì thế, ngành GD-ĐT huy động được nhiều hơn những người không phải là giáo viên vào giảng dạy. Thay vì giáo viên là thầy theo truyền thống, bây giờ giáo viên là huấn luyện viên.
Sinh viên làm là chính và kết quả trò có thể giỏi hơn thầy. Trước đây học cách giải quyết vấn đề là chính, bây giờ học cách tìm ra vấn đề là chính. Vì thế, việc dạy và học cũng thú vị hơn. Xã hội hiện đại, việc học cả đời nên thời gian học trong trường có thể rút ngắn đi. Những thay đổi trên và nhiều thay đổi khác nữa có thể thực hiện rất nhanh thông qua chuyển đổi số trong giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt chuyển đổi số giáo dục lên vị trí ưu tiên cao nhất. Chuyển đổi số trong GD-ĐT, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Tiểu ban Phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp và thống nhất cao với đề xuất chọn chuyển đổi số là khâu đột phá ngành GD-ĐT, nhất là đại học và dạy nghề.
Trường ĐH đi đầu trong chuyển đổi số
“Chuyển đổi số là tất cả lên online nên nhiều cái cũ phải thay đổi cho phù hợp với môi trường mới và nhiều cái mới sẽ xuất hiện. Cái cũ nào phải thay đổi và cái mới nào xuất hiện sẽ là không gian sáng tạo vô cùng to lớn cho người trong cuộc; tức là những người đi tiên phong trong chuyển đổi số và cơ hội chỉ đến cho những người dám nghĩ, dám làm này” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, đồng thời cho rằng:
Ngành GD-ĐT đã có nhiều chủ trương đổi mới. Cuộc cách mạng số mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng. Mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục là nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho người dạy; đổi mới mô hình dạy - học; hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số.
Ngành Giáo dục đầu tư xây dựng các nền tảng số, giáo viên sẽ tập trung vào việc tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng này. Nhờ đó, tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, đại học, ngành GD-ĐT, công nghệ sẽ được đưa vào nền tảng. Đây cũng là nền tảng mở, để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung, mà còn là cách thức giảng dạy, học... Các trường đại học nằm trong các nền tảng này, vị thế sẽ được nâng lên một mức đáng kể.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số đại học, việc đầu tiên cần làm là, chuyển đổi toàn bộ trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển đến môi trường số. Mỗi người trong đại học sẽ có một định danh số.
“Đại học là một xã hội thu nhỏ, sinh viên là những người trẻ, năng động nên rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số ở đây, không chỉ việc học, mà quản lý và sinh hoạt. Muốn đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số. Đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.
Về việc đào tạo lại và đào tạo nâng cao, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm nhiều nghề biến mất và cũng tạo ra nghề mới. Vì vậy, việc học nghề mới, kỹ năng mới là nhu cầu rất lớn, thường xuyên của xã hội. Trong tương lai, việc học là nhu cầu cả đời của mỗi người, các trường đại học phải giải quyết những nhu cầu này.
Để đáp ứng nhanh cả về nội dung và người dạy không gì bằng các nền tảng. Đó có thể là các khóa học trực tuyến được cá nhân hóa cho nhiều người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả khoa học cơ bản, góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xóa mù công nghệ cho vùng sâu, vùng xa.