Phát triển khả năng tự học của học sinh
Theo cô Phạm Thị Minh An, trong xu thế hội nhập quốc tế, nhất là Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây được triển khai, áp dụng thì giáo viên cần xác định phương pháp dạy học chủ đạo là cách tiếp cận liên ngành. Khi đó chúng ta nhìn nhận mọi sự việc không đơn lẻ mà nó ở trong tổng thể. “Đây cũng lý do vì sao Trường Olympia lựa chọn phương pháp chủ đạo nhất là liên môn và học tập hỗn hợp, thêm nữa là thực tập trải nghiệm” – cô Phạm Thị Minh An chia sẻ.
Học sinh có năng lực tự học thì có thể học được mọi chương trình trong mọi hoàn cảnh |
Ngoài ra theo cô Phạm Thị Minh An, phương pháp dạy học theo định hướng STEM chính là cơ hội tuyệt vời để học sinh phát huy khả năng tự nghiên cứu khoa học, tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề. Đối với học sinh THPT, ngoài 2 hình thức STEM 1.0 là tích hợp một môn, STEM 2.0 là các dự án liên môn thì STEM 3.0 là cần được quan tâm đến các đề tài thực tế và phục vụ cộng đồng.
“Ở Trường Olympia thì, mỗi một cấp học có một dự án xuyên suốt trong năm học để các em học sinh trải nghiệm với phương pháp học mới. Từ đó giúp các em có khả năng nghiên cứu khoa học. Khi các học sinh có được kỹ năng học tập STEM thì các em hoàn toàn có thể tự tin tham gia vào các chương trình du học ngắn hạn cũng như dài hạn; đặc biệt là những trại hè được đánh giá rất cao trên thế giới” - cô Phạm Thị Minh An dẫn giải.
Cũng theo cô Phạm Thị Minh An, các chương trình có thể khác nhau, nhưng khi người học biết cách học và có năng lực tự học thì có thể học được mọi chương trình trong mọi hoàn cảnh, kể cả du học ở nước ngoài. Vì vậy, tôi cho rằng, đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa mở ra “cánh cửa hội nhập” cho học sinh.
Chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm
Khẳng định hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh, cô Phạm Thị Minh An trao đổi: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, hoạt động trải nghiệm là một trong những yêu cầu bắt buộc và có hẳn thời lượng riêng cho nó. Thực tế, không phải bây giờ chúng ta mới nói đến hoạt động trải nghiệm, mà trước đây với tên gọi là hoạt động ngoài giờ lên lớp, các nhà trường đã và đang tổ chức thực hiện rồi. Chúng ta đã có những buổi sinh hoạt tập thể, có chương trình dã ngoại và các câu lạc bộ…
Tuy nhiên, với xu hướng hội nhập quốc tế thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo phải là nội dung trọng tâm trong các hoạt động của nhà trường. Trong các trường học quốc tế họ đánh giá rất cao các hoạt động ngoài chính khóa của học sinh. Tức là, bên cạnh việc phấn đấu tốt chương trình học phổ thông với điểm cao hoặc điểm của các kỳ thi chuẩn hóa như: IELTS, TOEFL… thì thông tin về các hoạt động văn hóa, thể thao là những yếu tố riêng biệt của học sinh.
Cô Phạm Thị Minh An cho biết: Ngay tại Trường Olympia, nhà trường chú trọng vào 2 vấn đề: Một là, hoạt động thể thao. Hoạt động này vừa giúp nâng cao thể chất, vừa phát triển kỹ năng cho học sinh như: Giao tiếp, hợp tác, rèn luyện tinh thần, tính kỷ luật và tinh thần thể thao cao thượng. Vì thế, ngoài giờ học thể dục trong khung chương trình thì mỗi một tuần học sinh có 3 giờ chơi thể thao. Một trong những yêu cầu bắt buộc để tốt nghiệp Trường Olympia là học sinh phải chơi được một môn thể thao. Học sinh có thể lựa chọn: Bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cờ vua, bơi hoặc tập gym...
Cùng với đó là chú trọng đến chương trình hướng nghiệp. Đối với học sinh THPT tất cả học sinh đều có 1 kỳ thực tập...
Vấn đề thứ hai, theo chia sẻ của cô Phạm Thị Minh An, các em học sinh lớp 12 sẽ có 2 tuần đi phục vụ cộng đồng ở nhà dưỡng lão. Trong mỗi một chương trình, học sinh đều được nhận chứng chỉ để đưa vào hồ sơ của mình.