'Chìa khóa' khai thác nguồn nhân lực nữ

GD&TĐ - Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò, địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao.

Bình đẳng giới trong lao động và việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá bình đẳng về giới.
Bình đẳng giới trong lao động và việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá bình đẳng về giới.

Nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn. Đây được coi là “chìa khóa” khai thác nguồn nhân lực nữ giới.

Câu chuyện đường dài

Câu chuyện về bình đẳng giới từ lâu đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong cuộc sống, trường học, doanh nghiệp... Tại Việt Nam, đặc biệt là trong mỗi doanh nghiệp, bình đẳng giới được cho là điều kiện để giúp khai thác nguồn nhân lực nữ giới, qua đó đóng góp vào sự đa dạng và thành công cho công ty.

Bình đẳng giới là một trong những vấn đề thách thức vì nó không chỉ đơn giản ở tỷ lệ nam nữ trong lực lượng lao động hoặc trong lãnh đạo, mà nó còn là công bằng trong trả lương, trong môi trường làm việc an toàn không có quấy rối hoặc kỳ thị. Điều này liên quan đến văn hóa và giá trị của doanh nghiệp. Dù vậy, hiện không có nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiểu sâu sắc về giới trong môi trường làm việc để có thể giúp đưa ra giải pháp cụ thể và thật sự hữu hiệu.

Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm khoảng 47,7% tổng số lực lượng lao động. Thực tế, trong các doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa lao động nữ và nam trong các vấn đề tuyển dụng, tiền lương, đào tạo chuyên môn, vị trí việc làm… Trong cùng một công ty, các công việc văn phòng, dịch vụ thường được cho là phù hợp với nữ hơn và có tỉ lệ phụ nữ cao hơn. Ngược lại, các công việc mang tính kỹ thuật và quản lý lại được coi là phù hợp với nam, có tỉ lệ nam giới cao hơn.

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện - điện tử tại một trường đại học hàng đầu cả nước vào năm ngoái, nhưng Nguyễn Thu Hằng (quê Hải An, Hải Phòng) vẫn chưa tìm được công việc đúng chuyên môn.

Nguyên nhân là do một số nhà tuyển dụng tại Việt Nam ưu tiên hoặc chỉ tuyển ứng viên nam vì cho rằng nam giới chịu được áp lực công việc liên quan đến kỹ thuật hơn là những ứng viên nữ. Còn nếu trong trường hợp được nhận, Hằng cũng chỉ phụ trách công việc giấy tờ hành chính của doanh nghiệp. Không xin được việc phù hợp với ngành được đào tạo, Hằng có ý định đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Nữ lao động Phạm Minh Dương (Tây Hồ, Hà Nội) phải chịu áp lực từ cấp trên và ngay trong gia đình của chị. Dù đang đảm nhiệm trưởng bộ phận phụ trách hành chính - nhân sự tại một công ty xuất nhập khẩu, nhưng chị Dương vẫn mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách đăng ký đi học thạc sĩ.

Sau khi biết tin, nhiều đồng nghiệp đã khuyên chị Dương: “Phụ nữ thì cần gì phấn đấu nhiều vì đã có chồng lo, nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn”. Chị Dương vẫn quyết theo đuổi ước mơ nâng cao trình độ chuyên môn. Vừa học, vừa làm, vừa chăm lo cho sinh hoạt gia đình là áp lực rất lớn với chị. Vì đó, gia đình chị nhiều lần trải qua những lần “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Không chỉ nữ giới, nam giới cũng có nguy cơ là nạn nhân của bất bình đẳng giới trong xã hội ngày nay. Anh Đào Minh Khôi (Hà Nội) đã có kinh nghiệm 10 năm đào tạo các lớp trang điểm chuyên nghiệp và làm chủ của một spa tại Hà Nội. Anh Khôi chia sẻ, vì tính chất công việc thiên về nghệ thuật, cũng như tiếp xúc hàng ngày với phái đẹp, nên nhiều khi bản thân bị bạn bè trêu ghẹo vì “con trai mà làm trang điểm”. Nhiều người trên mạng xã hội cũng không có thiện cảm khi anh Khôi đánh son, trang điểm trong các video hướng dẫn mọi người.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng

Ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.

Bên cạnh một số chỉ tiêu cần tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn trước, Chiến lược 2021 - 2030 còn bao gồm các chỉ tiêu mới bao gồm: Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân...

Để triển khai thực hiện Chiến lược 2021 - 2030, cũng trong khuôn khổ hợp tác với UN Women và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn thu thập số liệu và báo cáo kết quả thực hiện chiến lược. Qua đó, nhằm hướng dẫn các bộ ngành chủ chốt và các địa phương thực hiện đồng bộ, thống nhất việc thu thập số liệu, báo cáo tình hình thực hiện chiến lược hằng năm, hướng tới bảo đảm việc theo dõi, đánh giá thực hiện chiến lược một cách hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ