Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo ở Việt Nam còn thấp. Theo số liệu năm 2016 của Tổng Cục Thống kê cho thấy: Trong tổng số 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động cả nước chỉ có khoảng 11,3 triệu người được đào tạo, chiếm 20,9% tổng lực lượng lao động.
Điều này cho thấy, số người chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định còn chiếm tỷ lệ lớn 79,1% lực lượng lao động. Đặc biệt, tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo ở thành thị chiếm khoảng một nửa so với nam giới (57%) và ở khu vực nông thôn lên tới 88%.
Phân tích sâu về nhóm đối tượng lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chúng ta sẽ thấy thấy rõ hơn khoảng cách tồn tại ngay trong chính lực lượng lao động này.
Sự chênh lệch về đào tạo giữa nam và nữ ngay càng mở rộng. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức khi thực hiện chiến lược quốc gia về “Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020”. Trong chiến lược xác định rõ: “Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020” thế nhưng thực tế cho thấy, năm 2015, tỷ lệ này mới chỉ đạt và năm 2016 đạt 15%.
Sự khác biệt giữa các vùng kinh tế, xã hội cũng là nguyên nhân gây ra khoảng cách trình độ của lao động nữ. Hiện tại, nhóm lao động chưa qua đào tạo từ 15 tuổi trở lên ở 2 vùng có tỷ lệ cao nhất là Tây Nguyên (chiếm 73,8%) và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 80%).
Theo nghiên cứu, phân tích từ số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2016 của ThS Trần Quý Long, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới: “Thành phần dân tộc có mối liên hệ với khả năng được đào tạo chuyên môn kỹ thuật của phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 60. So với nhóm dân tộc Kinh, nhóm dân tộc thiểu số cao hơn 0,36 lần, họ chịu nhiều thiệt thòi và cần có sự hỗ trợ hơn nữa về mặt chính sách trong lĩnh vực đào tạo.
Lao động nữ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật là một vấn đề rất đáng quan tâm bởi không chỉ phản ảnh thực tế tình trạng lao động, việc làm mà còn cung cấp những thông tin quan trọng về nguồn nhân lực, nghề nghiệp, bất bình đẳng giới cũng như bất bình đẳng giữa các nhóm phụ nữ có những đặc trưng khác nhau.
So với những phụ nữ chưa bao giờ đi học, phụ nữ có học vấn cao có khả năng được đào tạo cao hơn. Điều này cho thấy, duy trì giáo dục và nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật là chìa khóa cho sự phát triển liên tục”.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đầu tư vào GD-ĐT chuyên môn kỹ thuật là vấn đề cốt lõi để thoát khỏi nghèo đói. Những người có học vấn cao, có trình độ sẽ có khả năng tạo thu nhập cao hơn từ lao động và có thể sử dụng tốt hơn lợi ích từ thu nhập này.
Cần làm chủ khoa học công nghệ
Dù chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động Việt Nam, lao động nữ chưa qua đào tạo lại đang là một trong những nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động và mang nhiều đặc trưng nhân khẩu – xã hội bất lợi (tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu nhóm nghèo, sống ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, học vấn thấp).
Những khó khăn này lại càng trở nên “nặng gánh” hơn trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bối cảnh đó vừa mở ra những cơ hội mới cho phụ nữ, những đồng thời cũng đẩy nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp, phải đối diện với nguy cơ mất việc làm.
Kinh nghiệm của các kỳ cách mạng công nghiệp trước đó cho thấy, cách mạng công nghiệp thường làm gia tăng bất bình đẳng giới trong khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới. Do đó, nhóm lao động nữ yếu thế này cần được chia sẻ, cung cấp thông tin khoa học về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, hôn nhân – gia đình, kinh tế phi chính thức và bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội...
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Phụ nữ là xương sống của gia đình, là trụ cột của đời sống cộng đồng, là người chăm sóc người cao tuổi, đồng thời là người nuôi dưỡng con cái, cháu chắt... Tuy nhiên, hoạt động sinh kế, việc làm của họ bị ảnh hưởng bởi trình độ chuyên môn, đó là một sự bất lợi không những cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những đối tượng được hưởng lợi từ họ.
Chẳng hạn như: Sự khác biệt theo khu vực cư trú thành thị, nông thôn: ở khu vực nông thôn cao hơn nhóm phụ nữ ở khu vực thành thị; Sự khác biệt theo thành phần dân tộc: Tình trạng phụ nữ chưa qua đào tạo nghề thường phổ biến ở khu vực nông thôn và những vùng có mức độ phát triển kinh tế, xã hội thấp hơn... Như vậy có sự bất lợi “kép” đối với lao động nữ không qua đào tạo chuyên môn ở những nhóm yếu thế hơn” .
Theo ThS Trần Quý Long, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới: “Phụ nữ dân tộc Kinh đã được hưởng lợi khá nhiều từ sự phát triển của đất nước, còn phụ nữ các dân tộc thiểu số thì thu nhận được ít hơn. Điều này là do sự khác biết về khả năng, điều kiện tiếp cận các chương trình đào tạo chuyên môn kỹ thuật của phụ nữ dân tộc Kinh và các dân tộc khác vẫn tồn tại.
Hầu hết, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng nông thôn tương đối sâu và xa, rất ít người tìm được việc làm trong các ngành công nghiệp ở vùng đô thị.
Bên cạnh đó, rất nhiều bậc phụ huynh dân tộc thiểu số không thấy được giá trị của giáo dục trên mức biết đọc và biết viết. vì thế họ đã cho con gái tham gia vào các công việc đồng áng từ sớm và tích lũy kinh nghiệm sản xuất truyền thống để đủ sống hàng ngày.
Ngoài ra, những khác biệt theo các đặc trưng cá nhân và hộ gia đình ở nhóm lao động nữ không qua đào tạo là do những cản trở xuất phát từ nguồn gốc bất bình đẳng về mức sống, địa vị kinh tế, xã hội”.
Để không bị bỏ lại phía sau của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi lao động nữ chưa qua đào tạo phải không ngừng tự nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng xã hội để trở thành những người lao động làm chủ được công nghệ, thiết bị hiện đại một cách thông minh, hợp lý.