Hãng tin Reuters ngày 29-3 dẫn nguồn tin liên quan đến vấn đề cho biết ông Trump đã đưa cho ông Kim một tờ giấy viết bằng tiếng Anh và tiếng Triều Tiên tại khách sạn Metropole ngày 28-2.
Nguồn tin này cho biết đây là lần đầu tiên ông Trump xác nhận trực tiếp điều ông muốn là phi hạt nhân hóa với lãnh đạo Kim.
Phiên bản tiếng Anh của tờ giấy, theo Reuters, kêu gọi "tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân, chương trình chiến tranh sinh học và hóa học cùng các năng lực liên quan; và các bệ phóng, tên lửa đạn đạo và các cơ sở liên quan".
Ngoài lời kêu gọi chuyển giao vũ khí hạt nhân và nhiên liệu bom nguyên tử, tài liệu này còn 4 điểm chính khác.
Tài liệu yêu cầu Triều Tiên công bố toàn diện về chương trình hạt nhân và cho phép các thanh tra quốc tế và Mỹ tiếp cận các cơ sở hạt nhân; dừng xây dựng và các hoạt động liên quan đến bất kỳ cơ sở mới nào; dỡ bỏ toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân; và chuyển tất cả các kỹ sư và nhà khoa học trong chương trình hạt nhân sang hoạt động thương mại.
Bữa trưa cùng ngày giữa hai lãnh đạo ngay sau đó đã không bao giờ xảy ra.
Hãng tin Reuters cho biết tài liệu mà hãng này tiếp cận được có thể giúp lý giải đầy đủ lý do sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 28-2.
Theo đó, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton lần đầu tiên đề cập đến tài liệu này trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình sau thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội. Tuy nhiên khi ấy ông Bolton đã không thông tin về kỳ vọng của Washington về việc Bình Nhưỡng sẽ chuyển giao vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch tới Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Kim có thể xem yêu cầu này của Mỹ là một sự xúc phạm và khiêu khích.
Ý tưởng yêu cầu Triều Tiên giao nộp vũ khí được ông Bolton đề xuất lần đầu năm 2004. Ông Bolton đã làm sống lại đề xuất này hồi năm 2018 khi ông Trump chỉ định ông làm cố vấn an ninh quốc gia.
Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói với Hãng Reuters rằng tài liệu cho thấy tờ giấy của ông Trump đã cung cấp cho Triều Tiên một định nghĩa rõ ràng về ý nghĩa của "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng" từ phía Mỹ.
Nhà Trắng vẫn chưa bình luận gì về báo cáo của Reuters. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối đưa ra ý kiến về những gì có thể là tài liệu mật này.
Trong một diễn biến liên quan, theo Reuters, ông Trump ngày 29-3 nói rằng quyết định không áp thêm trừng phạt lên Triều Tiên hồi tuần rồi của ông là bởi vì ông muốn duy trì quan hệ tốt với ông Kim và bởi vì người dân Triều Tiên đã "khổ nhiều" rồi.