"Chị Tư Hậu" Trà Giang và khoảng lặng bình yên sau bão tố

Thuộc “thế hệ vàng” của điện ảnh Việt nhưng rồi người ta thấy Trà Giang nhẹ nhàng từ giã điện ảnh, để đến với “mối tình” khác: hội họa. Thế mà cũng đã đắm say hơn 10 năm nay…

"Chị Tư Hậu" Trà Giang và khoảng lặng bình yên sau bão tố

Tình yêu điện ảnh bắt đầu từ “Chị Tư Hậu”

17 tuổi thi đỗ vào trường Múa, nhưng Trà Giang đã chọn trường Điện ảnh Việt Nam là nơi chập chững bước đi đầu tiên vào con đường nghệ thuật. 

Thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên, từng đạt nhiều Giải thưởng tại các Liên hoan phim trong nước và nước ngoài, Trà Giang cũng là diễn viên Việt Nam đầu tiên cầm Huy chương Vàng, diễn viên nữ xuất sắc nhất tại một Liên hoan phim quốc tế toàn cầu.

Năm 1962, Trà Giang được chọn vào vai chị Tư Hậu. Đây là vai hoàn chỉnh về sự phát triển tính cách, mà với nó, Trà Giang đã có đủ điều kiện thể hiện những mặt mạnh trong diễn xuất của mình. 

Hình ảnh một người phụ nữ miền Nam bình thường thời kháng chiến chống Pháp sau những mất mát khổ đau đã kiên cường đứng lên chống áp bức, giành quyền sống- qua diễn xuất của Trà Giang đã làm rung động triệu trái tim khán giả đương thời…

Và cho mãi đến tận bây giờ, suýt soát nửa thế kỷ đã qua nhắc đến Trà Giang- khán giả vẫn nhớ đến “chị Tư Hậu”. Phim Chị Tư Hậu đã được nhận Huy chương Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva lần thứ III (1963).

Chị kể, cảnh quay khó nhất chính là cảnh Tư Hậu bị Hai Báu làm nhục trong chòi cá. Cái chòi cá được dựng bằng những cành dương. Diễn cảnh người phụ nữ bị hiếp như thế nào? Làm sao vừa biểu hiện được sự lo âu, nỗi sợ hãi, đồng thời cũng thể hiện được sự uất hận? Không những vậy, người diễn viên còn phải thể hiện cảnh này sao không rơi vào trạng thái dung tục?

Đây là một cảnh diễn nan giải đối với Trà Giang. Bởi lúc ấy chị còn rất trẻ. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, nhưng bù lại, chị được tạo hóa tặng cho một gương mặt giàu tính biểu cảm và đôi mắt tuyệt vời. Chính đôi mắt đã mang đến cho chị thể hiện thành công trường đoạn này cũng như xuyên suốt cả bộ phim.

Sau bộ phim Chị Tư Hậu, Trà Giang còn tham gia nhiều bộ phim điện ảnh khác nữa như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Thủ lĩnh áo nâu, Huyền thoại người mẹ, Dòng sông hoa trắng… Phim nào, chị cũng lột tả được nhân vật một cách xuất sắc, đưa tên tuổi Trà Giang lên đỉnh cao của nền điện ảnh nước nhà.

Hội họa và ngã rẽ cuộc đời

Đã rất nhiều người hỏi Trà Giang vì sao rẽ ngoặt từ điện ảnh sang hội họa. Chị bộc bạch tâm sự từ một nỗi buồn riêng, từ sự ra đi vội vã của chồng chị - NSƯT Bích Ngọc vì căn bệnh quái ác và nỗi trống vắng khi nghệ sĩ piano Bích Trà, cô con gái cưng của anh chị cũng đang du học và làm việc ở London.

Chị tránh tham gia các sự kiện, phim ảnh và vùi mình bên giá vẽ. Như để quên đi mất mát, cô đơn. Chị vẽ liên tục và cũng tham gia triển lãm tranh cùng bạn bè, với nhóm “Hương cỏ”. Có nhiều bức vẽ đẹp đã được đặt mua.

Dừng cuộc chơi điện ảnh nhưng chị không cảm thấy mất mát. Với NSND Trà Giang, thế giới nghệ thuật nào cũng có cái đẹp, sự tiềm ẩn mà ai cũng mong muốn đi tìm, khám phá. 

Trà Giang thích vẽ tĩnh vật và hoa với một trạng thái dịu nhẹ, gợi cảm xúc buồn nhưng không tê tái mà là yên bình. Một số bức vẽ về phong cảnh nông thôn, có khi là cánh đồng buổi chiều; làng quê trưa nắng hoặc một làng quê biển với ngôi nhà lá nghèo nàn, một lu nước nhỏ đơn sơ…

Giờ đây, hội họa còn giúp cho Trà Giang có nguồn hạnh phúc lớn hơn khi thực hiện được hoạt động từ thiện qua việc bán tranh, đấu giá tranh của chị và bạn bè. 

Chị và một số họa sĩ trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, nhóm Hương Cỏ đã góp phần gây quỹ cho các tổ chức từ thiện như Tổ chức giải phẫu quốc tế Nụ Cười; chương trình cứu trợ bão lụt miền Trung, chương trình giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật…

Trong khi điện ảnh bắt buộc người nghệ sĩ phải hướng ngoại, thì ngược lại, hội họa là “đất” cho người nghệ sĩ thỏa sức hướng nội. Là người rất biết giao tiếp, rất vui vẻ và hòa đồng, nhưng tự trong sâu thẳm người nữ nghệ sĩ này luôn muốn dành một khoảng vắng vẻ cho mình. 

Chính hội họa đã mở cho Trà Giang một thế giới khác để sống và chiêm nghiệm, một thế giới hoàn toàn lặng lẽ đúng như tâm nguyện của chị. Những bức tranh giản dị của Trà Giang đã ra đời từ chính cái thế giới lặng lẽ đó.

Theo tamguong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ