Đờn ca tài tử là nét độc đáo của vùng sông nước Cửu Long. |
Trước việc nhà nhà, người người hát karaoke và mở âm thanh khuếch đại hết công suất để “khoe giọng”, UBND tỉnh Tiền Giang đã chi tiền tỷ mua máy đo tiếng ồn nhằm mục đích xử phạt!
Hát hò mọi lúc, mọi nơi
Trao đổi với PV Báo Giao thôngngày 24/1, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VHTT&DL Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã giao cho Sở chủ trì phối hợp với các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch mua 200 máy đo tiếng ồn để chấn chỉnh tình trạng karaoke, nhạc sống “tra tấn” người dân.
Theo đó, dự toán kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để mua 200 máy đo tiếng ồn, cấp cho 170 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và các cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh. Việc này sẽ thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán. “Qua khảo sát thị trường, giá của một máy đo tiếng ồn, tùy theo loại dao động từ 2 triệu, 5 triệu tới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, địa phương sẽ tính toán chọn thiết bị tốt, có giá phù hợp để thực hiện nếu không sẽ lãng phí”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, UBND xã sẽ có trách nhiệm bảo quản, quản lý máy đo. Đội kiểm tra liên ngành (do công an, môi trường, văn hóa...) sẽ chịu trách nhiệm quản lý và xử phạt theo quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT). Đối tượng chịu sự quản lý và bị xử phạt trực tiếp chính là chủ sở hữu những phương tiện gây ra tiếng ồn đó.
Cũng theo ông Minh, thời gian gần đây tại khu vực miền Tây, phong trào văn hóa địa phương nổi lên và phát triển rất mạnh mẽ. Bất kể đám hiếu, đám hỷ, gia chủ đều thuê dàn nhạc sống, karaoke về để hát hò. Tuy nhiên, nếu những âm thanh đó được kiểm soát, không gây ầm ĩ, không phiền hà tới đời sống sinh hoạt của người dân thì không có vấn đề gì. Nhưng trong quá trình vui chơi có người muốn “khoe chất giọng” của mình và muốn khoe công suất của dàn karaoke nhà mình tốt nên cũng mở to hết cỡ.
Chủ nhà, người hát không thấy phiền nhưng chịu phiền nhất là những người dân sống xung quanh. “Tới đây, Sở sẽ ban hành bộ hồ sơ cấp giấy phép chung, theo mẫu quy định. Tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Minh khẳng định.
Xử lý được không?
Trả lời câu hỏi liệu có kiểm tra, xử lý được tiếng ồn của nhạc sống, karaoke lưu động được không, bà Nguyễn Hồng Thủy, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang dẫn chứng: “Bộ TNMT đã có quy định rất rõ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ồn ào có thể bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng.
Mức phạt còn tùy vào mức độ tiếng ồn và còn bị đình chỉ hoạt động của bộ phận gây tiếng ồn 3-6 tháng nếu tiếng ồn vượt tiêu chuẩn 10-30 dBA; Đình chỉ hoạt động toàn cơ sở 6-12 tháng nếu tiếng ồn vượt tiêu chuẩn trên 30 dBA. Tiền Giang sẽ áp dụng những quy định này để đưa ra mức phạt cho phù hợp…
Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn rất khó. Theo quy định, khi tiến hành kiểm tra cơ sở vi phạm phải thành lập đoàn kiểm tra, cán bộ kiểm tra phải am hiểu, có chuyên môn kỹ thuật cao mới sử dụng được máy đo”, bà Thủy giải thích thêm.
Bà Thủy thông tin, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang có 1.400 giấy phép do cấp huyện, thành phố cấp về hoạt động karaoke. Dù đã có phản ánh tình trạng tiếng ồn làm ảnh hưởng, phiền hà đến người dân nhưng việc kiểm tra xử lý thì chưa có trường hợp nào bị phạt. Việc xử lý chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở…