Thôn Bùi Hui (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nằm ở độ cao gần 700 m so với mực nước biển. Từ trung tâm xã phải vượt gần 10 km đường rừng mới đến Bùi Hui. Trong đó, khoảng 3 km là những con dốc dựng đứng, lởm chởm đá.
Nằm tách biệt trên thảo nguyên, địa hình hiểm trở nên Bùi Hui chưa có điện. Do vậy, từ bao năm qua người dân Bùi Hui luôn "khát" điện, đặc biệt là những đứa trẻ.
Thôn Bùi Hui có 2 điểm lẻ của trường Tiểu học & THCS và trường Mầm non xã Ba Trang với 36 học sinh. Trong đó, 3 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2 được bố trí học chung trong một phòng. Phòng học cho 28 học sinh Mầm non nằm sát bên cạnh.
15 năm gắn bó với Bùi Hui là chừng đó thời gian cô Phạm Thị Tiên ước mong phòng học của những đứa trẻ có điện.
"Mùa nắng thì mở cửa ra đón gió nên cũng đỡ nóng, nhưng mùa mưa tội cho các cháu lắm. Sương mù giăng kín nên phòng học rất tối. Nhiều hôm tối đến mức đứng ở đầu phòng không nhìn rõ cuối phòng. Dù vậy nhưng không thể mở cửa lấy thêm ánh sáng vì gió rất mạnh, lạnh buốt", cô Tiên nói.
Học sinh phải chịu cảnh nóng bức vào mùa hè, còn mùa đông sương mù giăng kín khiến phòng học tối om |
Phòng học chung của 8 học sinh Tiểu học trống hoác. Phòng học của bậc Mầm non đỡ hơn vì mới được xây dựng cách đây 3 năm. Trong phòng có đầy đủ đèn điện, quạt máy nhưng chưa bao giờ hoạt động.
"Đời sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn nên các cháu chịu nhiều thiệt thòi. Giờ chỉ mong có điện về để các cháu sinh hoạt, học tập thuận tiện hơn", cô Tiên thở dài.
Những thiết bị điện như đèn, quạt chưa bao giờ hoạt động vì ở Bùi Hui không có điện. |
Cô Phạm Thị Phê - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Ba Trang cũng luôn ao ước điểm trường thôn Bùi Hui sẽ có điện. Có điện để điều kiện học tập của những đứa trẻ trên thảo nguyên tốt hơn.
"Không có điện nên không có giếng bơm nước. Mỗi ngày phụ huynh phải mang theo 10 lít nước đến trường dự trữ cho các cháu sinh hoạt. Đèn, quạt trang bị trong phòng 3 năm rồi mà có dùng được đâu. Mùa hè thì nóng, mùa đông tối lắm. Muốn mua cái tivi cho các cháu học tập, giải trí mà cũng đành chịu", cô Phê nói.
Ở trường không có điện nhưng về nhà cũng chẳng khá hơn. Ban đêm, những đứa trẻ phải học tập, sinh hoạt trong ánh sáng yếu ớt từ những chiếc đèn pin.
Anh Phạm Văn Điết cho biết, địa hình ở Bùi Hui khá đặc biệt nên muốn lắp máy phát điện dưới suối rất khó khăn. Điểm đặt máy cách làng hơn 3 km, vậy nên khi điện về đến nơi cũng chẳng sử dụng được. Do đó, gần 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu tại Bùi Hui phải sống trong cảnh thiếu điện triền miên.
Chiếc máy phát này cung cấp nguồn điện cho 12 hộ gia đình. Mỗi hộ chỉ sử dụng 1 bóng đèn nhưng khi đêm đến cũng không đủ điện để sử dụng |
"Ở đây chỉ có mấy nơi đặt được máy phát, lại cách xa làng nên điện rất yếu. Nhiều hộ chung nhau 1 máy nên mỗi nhà chỉ được sử dụng 1 bóng đèn. Đèn này chỉ sáng vào ban ngày, ban đêm nhiều người sử dụng cùng lúc là không sáng. Ăn cơm hoặc mấy đứa nhỏ học bài thì phải đội đèn pin", anh Điết nói.
Những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui "khát" ánh điện |
Trên đường tiễn chúng tôi qua thảo nguyên, anh Điết luôn miệng nói về ước mơ làng mình có điện. Có điện cho dân làng bớt khổ.
"Bao giờ có điện mình sẽ lắp thật nhiều bóng đèn trong nhà, mua tivi cho mấy đứa nhỏ xem. Nhưng làng mình nằm tận ở đây thì biết bao giờ mới có điện về", anh Điết nói rồi quay xe về ngôi làng bắt đầu lọt thỏm trong bóng tối của cơn giông đang kéo đến.