Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được bổ làm Thượng thư bộ Học nổi danh triều Nguyễn

GD&TĐ - Chỉ đỗ Cử nhân nhưng được bổ làm Thượng thư bộ Học, tài năng xuất chúng và tâm đức của Cao Xuân Dục đã chứng minh 'học là sự nghiệp cả đời'.

Đại gia đình cụ Cao Xuân Dục.
Đại gia đình cụ Cao Xuân Dục.

Theo đánh giá của giới sử học, hầu hết các nhà nho xứ Nghệ bước chân vào sự nghiệp quan tước, đều bắt đầu với con đường học quan như: Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học… Cao Xuân Dục là một trường hợp điển hình, nhưng vô cùng đặc biệt.

Trụ cột triều đình

Hình ảnh Thượng thư Cao Xuân Dục.

Hình ảnh Thượng thư Cao Xuân Dục.

Cao Xuân Dục (1842 - 1923), tự Tử Phát, hiệu Long Cương, quê ở làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, khi theo học, ông lại được thầy dạy yêu mến, gả cho con gái. Nhưng về đường khoa cử, Cao Xuân Dục lại rất lận đận, mãi đến năm 34 tuổi mới đỗ Cử nhân trong khoa Bính Tý - Tự Đức 29 (1876).

Từ đó về sau, Cao Xuân Dục không tiếp tục con đường khoa bảng, mà bước chân vào chính trường với chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi.

Theo các nguồn sử liệu, Cao Xuân Dục trải qua nhiều chức quan: Kinh lịch, Tri huyện Bình Sơn, rồi Mộ Đức. Do làm việc hiệu quả nên năm 1880, ông được thăng hàm Hàn lâm viện Biên tu. Năm sau, ông lại được điều về Huế làm việc ở bộ Hình, rồi Nha Thương bạc.

Tháng 4/1882, ông được cử vào Phái bộ ra Hà Nội thương thuyết về việc Pháp đánh chiếm Bắc Hà lần thứ hai, rồi được cử làm Thự Tri phủ Ứng Hòa. Đến 1884, ông được thăng hàm Hồng lô tự Thiếu khanh và điều về Huế giữ chức Biện lý bộ Hình, rồi đổi làm Án sát Hà Nội. Đến tháng 5/1885, ông được thăng làm Bố chánh Hà Nội, tháng 9 năm này lại thăng Thị lang, sung Hải phòng sứ Hải Dương.

Do bất đồng mà dẫn tới việc mâu thuẫn với viên Công sứ Pháp, ông bị giáng một cấp nhưng vẫn giữ chức vụ cũ. Năm 1889, ông làm Tán lý quân vụ dưới quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, rồi thăng chức Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1890, ông được thăng làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên; Ba năm sau được ban tước An Xuân Nam.

Năm 1894, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nam, rồi được thăng hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1901, ông được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hội ở Huế, rồi làm quyền quản Quốc Tử Giám.

Tháng 11 năm 1907, ông được thăng Thượng thư bộ Học, sung Phụ chính Đại thần, Chủ tịch Hội đồng khảo duyệt sách kinh điển (1908) rồi được phong hàm Thái tử Thiếu bảo, và năm 1909 lại thăng tước An Xuân tử. Năm 1913, Cao Xuân Dục xin về hưu và được ban hàm Đông các Đại học sĩ.

Ông trở thành trụ cột triều đình, có nhiệm vụ bàn bạc với vua những chuyện quan trọng liên quan triều chính. Đông các Đại học sĩ có nhiệm vụ lập dựng các văn thư quan trọng, coi sóc việc tuyển chọn nhân sự quốc gia.

Từ một Cử nhân, được vua tin tưởng bổ chức Thượng thư bộ Học là điều hiếm có trong lịch sử. Vì như danh sĩ Phạm Đình Hổ, hay như Nguyễn Thuyên cùng lắm được bổ làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Điều đó chứng minh trí tuệ của Cao Xuân Dục không chỉ uyên bác, mà còn rất phi thường.

Kén rể khác thường

Đền thờ cụ Cao Xuân Dục tại Diễn Châu (Nghệ An).

Đền thờ cụ Cao Xuân Dục tại Diễn Châu (Nghệ An).

Theo cao niên làng Thịnh Mỹ, xưa nhà của Cao Xuân Dục tọa ở Cồn Sò (Diễn Châu) hay còn gọi là Long Cương hay Gò rồng, vì vậy mà ông lấy hiệu là Long Cương. Nhà của Cao Xuân Dục bao giờ cũng nhộn nhịp người vào ra, đặc biệt những dịp ông đi kinh lý về.

Đến dịp cuối năm, gia đình Cao Xuân Dục đều tổ chức một bữa cơm tất niên rất đông vui. Khách mời có bạn bè nhà nho, người giúp việc và bà con lối xóm. Tương truyền rằng, trong số khách đó có một người rất đặc biệt.

Đó là chàng thanh niên Đặng Văn Thụy, quê ở Nho Lâm làng bên. Vì Cao Xuân Dục bận bịu công việc nên thường nhường cụ bà cai quản đồng ruộng và các việc gia đình, nên từ lâu muốn chọn một chàng rể là học trò cùng quê.

Thụy là con một cụ đồ, học giỏi nhưng hiềm nỗi nhà lại quá nghèo. Bởi vậy mà Thụy vừa học vừa phải làm thuê. Thấy Thụy thông minh, chăm chỉ học hành nên vợ chồng Cao Xuân Dục bàn nhau nuôi Thụy ăn học và cũng là kén rể, se duyên cho con gái Cao Thị Bích.

Cụ dặn con gái phải chăm lo cho cậu Thụy ăn uống đầy đủ, để cậu chuyên tâm học hành thì ắt sẽ làm được việc lớn. Cô con gái nghe theo, quan tâm chăm sóc Thụy hết mực.

Bữa nào cô Bích cũng đơm cơm đến lưng liễn sứ nhưng Thụy đều kêu đói. Cô nén cơm chặt trong liễn, nhưng bụng Thụy vẫn không thể no. Cô xới cơm ra cái rá tre, đong đếm cơm đủ cho bốn năm người ăn, Thụy vẫn ăn hết.

Làng Nho Lâm vốn là nơi có nghề rèn, Thụy cũng là thợ rèn người vạm vỡ. Trông anh vai u thịt bắp thô kệch giống tráng sĩ hơn là nho sinh. Thấy vậy, cô Bích đành thưa với cha: “Cha tính lựa cho con một người chồng như ri chăng?”. Cô kể cho cha nghe về cái bụng ăn không biết no của Thụy…

Cụ Cao Xuân Dục nghe xong, khuyên con gái: “Xưa nay những người khác thường mới có những cái không bình thường”. Đúng như lời cụ Cao nhận định, khoa thi Hội năm Giáp Thìn triều Thành Thái thứ 16 (1904), Đặng Văn Thụy thi đỗ Hoàng giáp - sau làm đến chức Tế tửu.

Tình yêu đặc biệt với sách

Bìa sách “Nhân thế tu tri” – bộ tác phẩm 900 trang do Cao Xuân Dục biên tập trong Kinh Sử những lời hay ý đẹp nhằm giúp giáo dục con người. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Bìa sách “Nhân thế tu tri” – bộ tác phẩm 900 trang do Cao Xuân Dục biên tập trong Kinh Sử những lời hay ý đẹp nhằm giúp giáo dục con người. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Trong vai trò một học quan và người làm sử, Cao Xuân Dục để lại nhiều tác phẩm công phu. Trong đó phải kể đến 4 cuốn sách: Đại Nam dư địa chí ước biên, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục. Các tác phẩm này được đánh giá “tinh lực của một đời người”, ghi chép cẩn thận từ địa lý, phong thổ cho đến các khoa thi Hương, thi Hội của triều Nguyễn.

Là một vị học quan làm đến chức Thượng thư bộ Học, Cao Xuân Dục rất chú trọng đến giá trị của thực học và trau dồi tri thức cho các thế hệ sau. Bởi vậy, ông lập tại quê hương một thư viện mang tên “Long Cương tàng bản”.

Trong tuyển tập về Cao Xuân Dục, ông Cao Xuân Phổ có viết rằng: “Cao Xuân Dục đã lập một thư viện riêng ở quê nhà Diễn Châu. Long Cương, một thư viện lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán. Cao Xuân Dục đã cho sao chép nhiều tài liệu, văn bản công khai lưu trữ ở Quốc Sử quán, bộ Học đem nhập vào thư viện”.

Cao Xuân Dục có tình yêu đặc biệt với sách. Tương truyền, hồi nhỏ khi học với các thầy, học trò Cao Xuân Dục luôn để ý đến sách, thấy thầy nào cũng nhiều sách.

Cậu xin thầy cho đọc, nhưng đọc tại nhà thầy chứ không được đem ra về nhà. Những quyển sách hay, cậu đều xin thầy cho chép lại. Ý thức gom sách đã có từ đó, và khi làm quan có điều kiện đã thành lập một thư viện riêng để thỏa chí.

Tầng bên trên của “Long Cương tàng bản” là lầu vọng nguyệt. Tầng dưới chứa sách, tầng 2 là phòng chép sách. Tương truyền trong nhà Cao Xuân Dục lúc nào cũng có dăm bảy ông tú, ông cử được thuê ở để làm hai việc: Dạy cho con cháu và chép sách.

Cuốn sách nào quý giá, Cao Xuân Dục đều sai chép làm 5 bản, giữ tại thư viện 2 bản, còn những bản khác đem phân phát. Ông luôn có ý đề phòng mất cuốn này còn có cuốn khác.

Bởi vậy, Long Cương được đánh giá thư viện gia đình lớn nhất nước ta đương thời. Tập “Ức Trai thi tập” tưởng đã từng bị tiêu hủy mấy trăm năm trước lại được tìm thấy trong thư viện Long Cương.

Những bộ sách mộc bản có dấu ấn của Cao Xuân Dục trong kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã góp phần làm nên khối mộc bản triều Nguyễn có giá trị tư liệu gốc. Trong đó có những bộ sách ghi chép về chủ quyền biển đảo của Việt Nam như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí…

Là người đứng đầu bộ Học, Cao Xuân Dục rất coi trọng việc lấy thực học làm căn bản. Ông lấy việc nêu gương, ghi danh những người đỗ đạt cao là điều cần làm: “Các vị đỗ tiến sĩ, tuy chưa có lục chép tên, song đã khắc tên trên bia đá, còn các vị phó bảng thì chưa có vậy.

Đã không có tên trong bia đá, mà lại không chép vào lục thì chẳng hóa ra các vị đỗ hội khoa lại sơ lược hơn các vị đỗ hương khoa sao?” (Quốc triều khoa bảng lục).

Cao Xuân Dục cũng tỉ mỉ đánh giá bài thi của học trò, ngay cả khi ông giữ chức Tổng đốc vẫn luôn nghĩ tới việc học. Ông viết tấu rằng: “Tri thức cho ba đời không thể bỏ qua văn chương. Muốn so văn chương của trăm nhà phải lấy trường quy để làm tiêu chuẩn. Đó là lý do cần phải ghi chép lại những bài văn đã được chấm trúng tuyển ở trường thi”.

Bởi được ngụp lặn trong biển học và biển sách mà nhiều nho sinh xứ Nghệ và hậu duệ của Cao Xuân Dục không chỉ đỗ đạt, trở thành Thượng thư, nhà thơ, học giả nổi tiếng, mà còn trở thành những người có đức hạnh, như: Con trưởng Cao Xuân Tiếu (Thượng thư), con gái Cao Ngọc Anh (nhà thơ), con trai út Cao Xuân Huy (Giáo sư triết học), cháu nội Cao Xuân Hạo (nhà ngôn ngữ)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ