Ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang: Tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Sau Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã lập tức có công văn đề nghị UBND huyện và thành phố, phòng GD&ĐT có biện pháp chỉ đạo và chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm đối với trường tiểu học.
Cụ thể, chỉ đạo, tổ chức quán triệt các quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, của Sở GD&ĐT.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giải thích để cha mẹ học sinh, cộng đồng nắm vững các quy định về dạy thêm, học thêm và đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học. Từ đó, tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực, triển khai đổi mới giáo dục tiểu học.
Những nội dung trong Chỉ thị của Bộ GD&ĐT được quán triệt, cụ thể: Đối với các trường, lớp học 2 buổi/ngày, Sở yêu cầu tổ chức cho học sinh hoàn thành nội dung bài tập ngay tại lớp; nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích để sách, vở, đồ dùng học tập của học sinh tại lớp.
Đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, giao bài tập về nhà tối đa bằng lượng bài tập trên lớp của học sinh học 2 buổi/ngày và không giao bài tập ngoài sách giáo khoa cho học sinh.
Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, không tổ chức các đội tuyển học sinh tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Sở nhấn mạnh, từ năm học 2014 – 2015, Sở, Phòng GD&ĐT không tổ chức các cuộc giao lưu, cuộc thi qua mạng; nghiêm cấm tổ chức lớp chọn trong trường tiểu học.
Bên cạnh việc yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ cấp tiểu học lên cấp THCS; không tổ chức khảo sát đối với học sinh tiểu học đầu năm học và hàng tháng; không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, Sở GD&DDT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những quy định về dạy thêm, học thêm.
NGƯT Đặng Phương Bắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình: Động thái quan trọng giúp các trường giảm áp lực “bề nổi”
Việc tổ chức các sân chơi trí tuệ, cần phải được hiểu và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của nhà trường, đồng thời tuân theo những quy định của Bộ GD&ĐT.
Qua kinh nghiệm triển khai Quy định về dạy thêm, học thêm; Quy định đánh giá học sinh tiểu học, ngay sau khi nhận chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm đối với giáo dục tiểu học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thái Bình đã có văn bản chính thức chỉ đạo các nhà trường triển khai sâu sắc các nội dung của chỉ thị.
Các trường trên địa bàn tỉnh tiếp nhận chỉ thị hoàn toàn không gặp phải khó khăn, khúc mắc gì vì ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện theo mô hình trường học mới nên những hoạt động này đã được thực hiện.
Thực tế ngay từ năm học trước, Thái Bình đã không đánh giá, xếp hạng các nhà trường dựa trên thành tích từ các cuộc thi qua mạng hay “sân chơi trí tuệ”.
Vì vậy, Sở GD&ĐT Thái Bình hoàn toàn ủng hộ chủ trương “Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ”.
Đây là động thái quan trọng nhằm giảm bớt áp lực cho các nhà trường vì thành tích hay danh hiệu mà phải tập trung cho các hoạt động bề nổi.
Cụ thể hơn về Tiêu chí đánh giá các trường tiểu học, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Thái Bình) cho biết: Nhận thức được sự đúng đắn từ nội dung các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong hoạt động dạy thêm, học thêm, đánh giá học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT các huyện xây dựng chuẩn bộ đánh giá riêng trên cơ sở quy định về chất lượng tối thiểu do Bộ GD&DT ban hành bên cạnh việc hướng dẫn thêm về kiến thức địa phương cho các nhà trường.
Ngành GD Thái Bình đã lên kế hoạch chi tiết để quán triệt nội dung và đẩy mạnh đôn đốc thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng đến từng đơn vị trường học trên địa bàn. Cùng với đó, sẽ tổ chức kiểm điểm về các mặt được và chưa được sau thời gian thực hiện Thông tư 17, Thông tư 30.
Việc tổ chức các sân chơi trí tuệ, cần phải được hiểu và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của nhà trường, đồng thời thuận theo những hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD, các nhà trường không thành lập các đội tuyển, không tổ chức hỗ trợ, không tổ chức bồi dưỡng học sinh để tham gia các sân chơi. Đồng thời ủy quyền cho các Phòng GD đánh giá các trường Tiểu học thông qua tất cả các hoạt động giáo dục chứ không chỉ thông qua các kỳ thi.
Niềm vui đến lớp |
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa: Cần hiểu đúng những nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT
Sở GD&ĐT Khánh Hòa rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp thu, chỉ đạo thực hiện nghiêm theo chỉ thị của Bộ trưởng về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm.
Trước khi có chỉ thị chấn chỉnh của Bộ, Khánh Hòa đã thực hiện nghiêm các nội dung Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. Việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm, Khánh Hòa đã giao trách nhiệm cho các hiệu trưởng vì hơn ai hết, hiệu trưởng là người trực tiếp tại cơ sở, gần gũi và nắm bắt tốt các hoạt động của các giáo viên trong trường.
Là trùng hợp ngẫu nhiên nhưng ngay từ đầu năm học mới, Khánh Hòa đã chủ trương không tổ chức các sân chơi trí tuệ cho học sinh tiểu học. Các con đã tham gia học 2 buổi/ngày theo chương trình bán trú của trường, hoặc nếu học 1 buổi/ngày thì cũng phải hoàn thành bài tập củng cố kiến thức giành thời gian vui chơi cùng gia đình, vui chơi theo sở thích.
Chính các hoạt động này góp phần tạo nên “quá tải” cho học sinh. Những quy định của Bộ GD&ĐT hoàn toàn phù hợp thực tế, góp phần giảm tải cho học sinh và đưa hoạt động giáo dục đi vào thực chất.
Chúng ta đã chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng chữ viết, lời nói. Xã hội hãy đặt niềm tin vào người giáo viên và đó là động lực để họ phấn đấu và cống hiến vì thế hệ trẻ.
Tôi nhấn mạnh rằng, đánh giá học sinh chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 67/2011/TT-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học. Bởi vậy việc tổ chức thi học sinh giỏi, đánh giá bằng điểm số hay tổ chức các sân chơi trí tuệ quy mô lớn,… thực tế là không cần thiết và dư luận cần hiểu đúng những nội dung trong quy định của Bộ GD&ĐT.
Mọi quy định sẽ trở nên khó thực hiện nếu chúng ta cứ mãi trì trệ đi theo một lối mòn. Làm giáo dục, cần dám nghĩ, dám làm mới mong tiến bộ và phát triển được.
Ông Đặng Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT Tiền Giang: Giải phóng giáo viên khỏi áp lực thành tích
Tại Tiền Giang, đại bộ phận học sinh tiểu học đã được học 2 buổi trên ngày. Việc nghiêm cấm giao bài tập cho các em đã được thực hiện từ mấy năm nay.
Việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học được thực hiện triệt để tại Tiền Giang. Trước khi có Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã nghiêm túc thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm cũng như Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về công tác này.
Đặc biệt, khi Thông tư 30 đổi mới cách đánh giá đối với học sinh tiểu học được ban hành, Sở GD&DDT Tiền Giang đã triển khai rộng rãi tới 100% cán bộ, giáo viên tiểu học nghiêm túc thực hiện.
Hiện nay, tại Tiền Giang, đại bộ phận học sinh tiểu học đã được học 2 buổi trên ngày. Việc nghiêm cấm giao bài tập cho các em đã được thực hiện từ mấy năm nay.
Theo đó, các trường khi giao bài tập đều giải quyết ngay trên lớp; đồng thời, khuyến khích học sinh để tài liệu học tập tại lớp. Với một số ít lớp học 1 buổi/ngày, Sở đã chỉ đạo giao bài tập phù hợp.
Những nội dung trên được tổ chức triệt để, bằng cách giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng nhà trường, làm sao học sinh không bị áp lực trong học tập. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để trẻ có thời gian vui chơi, giải trí rất được khuyến khích.
Về phía UBND tỉnh cũng thường xuyên nhắc nhở vấn đề này, nhờ địa phương hỗ trợ quản lý công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Riêng với nội dung không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ, Tiền Giang, trong Hội nghị hiệu trưởng đầu năm học, Sở GD&ĐT đã nghiêm cấm tổ chức các hình thức đó.
Trong trường hợp học sinh thực sự thích, có nhu cầu, nhà trường mới tạo điều kiện để các em được tham gia, tuyệt đối không ép buộc.
Để triển khai những nội dung này hiệu quả, tôi cho rằng, những tiêu chí như học sinh giỏi, học sinh năng khiếu… nên bỏ ra khỏi tiêu chí thi đua cho giáo viên. Từ đó, giáo viên được “cởi trói” khỏi áp lực thành tích của học sinh. Từ đó, giáo viên cũng chú tâm hơn đến việc dạy học để đạt được yêu cầu thật sự đối với trẻ.
Điều này đã được Tiền Giang thực hiện từ năm 2013 và năm nay sẽ tiếp tục thực hiện triệt để hơn nữa.