Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Tại Chỉ thị số 9/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó bổ sung các chế tài bảo đảm thực thi pháp luật, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách, đồng thời tạo cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh bảo hiểm rủi ro thiên tai,...
Tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường
Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ các cấp học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên; nghiên cứu rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn có tính hình thức, cứng nhắc, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục…
Tăng cường công tác thống kê Nhà nước
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước.
Chỉ thị yêu cầu Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từng bộ, ngành theo lộ trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho từng năm đối với mỗi hoạt động cụ thể.
Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác trong hoạt động thống kê giữa các bộ, ngành với Cơ quan Thống kê Trung ương, giữa bộ, ngành với địa phương trong việc sản xuất, cung cấp, phổ biến và chia sẻ thông tin thống kê nhằm thiết lập hệ thống thông tin thống kê quốc gia đồng bộ, thống nhất, thông suốt và hiệu quả giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp số liệu định kỳ cho Cơ quan Thống kê Trung ương để kịp thời biên soạn số liệu, báo cáo kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, hằng năm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh cung cấp, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa bộ, ngành với Cơ quan Thống kê Trung ương nhằm khai thác hiệu quả dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê Nhà nước; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc khai thác và và chia sẻ dữ liệu thống kê trong từng bộ, ngành cũng như kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương với hệ thống thống kê tập trung.
Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành Nghị định số 33/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Nghị định này quy định về ngạch công chức Quản lý thị trường; thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra; phương tiện làm việc, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường.
Về ngạch công chức Quản lý thị trường, Nghị định nêu rõ Bộ Công Thương quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với ngạch công chức Quản lý thị trường sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
Nghị định quy định người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của cán bộ quản lý thị trường đối với việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại quy định tại khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường bao gồm:
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh) gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động.
Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra quy định ở trên được giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Nghị định cũng quy định cụ thể và chi tiết về phương tiện; phù hiệu; mẫu, quy cách trang phục… của lực lượng Quản lý thị trường.
Theo quy định, phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường gồm: Xe ô tô chức danh theo quy định; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng: xe ô tô tải, xe ô tô trên 16 chỗ ngồi, xe ô tô trang bị phòng thí nghiệm, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù; máy bộ đàm, thiết bị đo, kiểm tra nhanh, thiết bị chuyên dùng, thiết bị công nghệ thông tin…
Phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường được quản lý sử dụng phù hợp với yêu cầu công tác, tiêu chuẩn, định mức và phân cấp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.
Trong đó, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định những vấn đề chung; đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; một số loại hình khu công nghiệp và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị; hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; và điều khoản thi hành.
Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội…
Chính phủ ban hành Nghị định 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị định nêu rõ, việc hỗ trợ lãi suất bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
Ngân sách nhà nước bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 nghìn tỷ đồng.
Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm: (i) Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines; (ii) Châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; và (iii) Châu Mỹ: Hoa Kỳ.
Tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam.
Giao kế hoạch vốn cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 652/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội số: 120/2020/QH14, 24/2021/QH15, 25/2021/QH15).
Giao mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Giao dự toán ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 653/QĐ-TTg giao dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương (bộ, cơ quan Trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các địa phương) dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Rà soát các quy định của pháp luật về tiêm vắc xin phòng Covid-19
Thông báo số 162/TB-VPCP ngày 2/6/2022 Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nêu rõ: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các quy định của pháp luật việc tiêm vaccine phòng Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 04/6/2022.
Đồng thời, Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó lưu ý rà soát, làm rõ: (i) vắc xin phòng Covid-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc; (ii) số lượng vắc xin đã có và dự kiến sẽ được nhập khẩu; (iii) tình hình phân bổ, sử dụng vắc xin (số vắc xin đã tiêm, số vắc xin tồn kho); (iv) nhu cầu vắc xin và kế hoạch sử dụng trong thời gian tới; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2022.