Chí cao, tâm sáng của người anh hùng

GD&TĐ - Lịch sử văn học đời Trần ghi dấu với những trang văn, trang thơ sục sôi âm hưởng hào khí Đông A, hào khí của một thời đại anh hùng với bao chiến công lừng lẫy chống giặc Nguyên Mông xâm lược.

Hào khí Đông A một thời. Ảnh minh họa
Hào khí Đông A một thời. Ảnh minh họa

Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu), Cảm hoài (Đặng Dung)... là những tác phẩm dệt nên nguồn cảm hứng bất tận ấy. Cô đọng, hàm súc, bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão khiêm nhường góp vào vườn hoa muôn sắc của văn chương thời đại với một vẻ đẹp riêng, ẩn sau câu chữ  dung dị là chí cao, tâm sáng của người anh hùng trọn đời tận trung với nước.

1.

Phạm Ngũ Lão là một danh tướng đời Trần. Thuở nhỏ đã khác thường, tính tình khảng khái. Tương truyền trong làng có người đỗ Tiến sĩ, làng tổ chức ăn mừng, mọi người hân hoan kéo đến chúc tụng, riêng Phạm Ngũ Lão thì không. Mẫu thân hỏi, Ngũ Lão thưa làm trai phải lập công danh làm rạng rỡ non sông, chưa bằng người thì nhục lắm. Nuôi chí lớn, gã trai làng Phù Ủng ngồi đan sọt giữa đường, binh lính Hưng Đạo Vương đi qua chích mũi giáo vào đùi mà vẫn không hay.

Mến phục tài chí hơn người, Hưng Đạo Vương trọng dụng, gả con gái nuôi. Phạm Ngũ Lão đã có nhiều đóng góp lớn lao cho những chiến tích của thời đại nhà Trần, khi ông mất Vua cho nghỉ chầu năm ngày để tỏ lòng tưởng nhớ. Tác phẩm của ông hiện còn hai bài thơ là “Thuật Hoài” và “Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”. Trong đó, “Tỏ lòng”, bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật được người đời mến yêu bởi nhiều tầng nghĩa phong phú, sâu sắc.

2.

Cái gốc của thi ca là cuộc đời, rung lên từ cảm xúc và lắng kết bởi chiều sâu ý nghĩa. Đọc “Thuật hoài” (Phạm Ngũ Lão), người ta thấu tỏ hơn chân lí đó. Hai câu mở đầu bài thơ, nhân gian được sống lại hào khí của thời đại nhà Trần bất khuất anh hùng:

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,

Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.

(Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

Đọc bản dịch thơ, tinh ý một chút, ta sẽ cảm thấy tiêng tiếc khi hai từ “múa giáo” chưa làm bật được tư thế oai phong, kiêu hùng của người dũng tướng cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông. “Hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo, luôn ở tư thế tấn công dũng mãnh, áp đảo quân thù. Đẹp hơn khi tư thế ấy của người chính nghĩa được đặt trong không gian mang tầm vóc vũ trụ “non sông” và thời gian dài thăm thẳm “đã mấy thu”. Không phải một năm, hai năm mà đã mấy thu qua, người tráng sĩ vẫn bền gan vững chí, chấn giữ non sông, bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, đây là hình tượng đẹp, tượng trưng cho hình ảnh dân tộc Việt quật cường chẳng kẻ thù nào có thể khuất phục.

Nếu câu đầu tô đậm vẻ đẹp con người thì câu sau ca ngợi sức mạnh của thời đại. “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”. Thơ hay ý ngoài lời. Sức mạnh của quân đội nhà Trần được thể hiện qua một ẩn dụ so sánh độc đáo. “Tì hổ” nghĩa là đội quân ấy mang sức mạnh của chúa tể rừng xanh. Sức mạnh có thể nuốt trôi trâu hay át cả sao Ngưu. Khí thôn Ngưu là cách nói thậm xưng để tạo nên một hình tượng thơ kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ. Hai câu tứ tuyệt mười bốn chữ ngắn gọn cô đúc đã tạc vào thời gian một bức tượng đài tuyệt đẹp về quân, tướng của thời đại nhà Trần. Qua đó, người đọc được sống trong âm vang của hào khí Đông A. Hình ảnh người anh hùng lồng trong hình ảnh đất nước, vận mệnh cá nhân song song với vận mệnh dân tộc. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy lấp lánh mãi ngàn đời.

Hai câu sau bộc lộ nỗi lòng với cái Chí và cái Tâm cao cả của Phạm Ngũ Lão:

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

Thơ xưa vốn được viết để tỏ chí, tỏ lòng. Câu trên tỏ chí, và câu dưới tỏ lòng. Chí được gửi trọn trong hai chữ “công danh”. Đây là khát vọng, lẽ sống đẹp của đấng nam nhi trong xã hội phong kiến ngày xưa. Kẻ làm trai đầu đội trời chân đạp đất những mong lập công và lập danh. Lập công ở đây được hiểu là tạo nên công trạng, kì tích, sự nghiệp lẫy lừng. Lập danh nghĩa là lưu lại tiếng thơm cho muôn đời, vang danh sử sách. Đây đúng là một lí tưởng sống cao đẹp nâng đỡ con người, bền bỉ vươn lên khẳng định mình, góp sức cho đời.

Lẽ sống đẹp của trang nam nhi thuở xưa còn được đúc kết trong thơ Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Hai bậc anh hùng, vời vợi cách xa tận mấy trăm năm mà gặp gỡ nhau ở một lẽ sống chân chính, đáng trọng, đáng quý biết bao. Bởi thế nên dân gian xưa ghét đắng ghét cay kẻ làm trai yếu đuối, biếng lười “Làm trai cho đáng sức trai. Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”.

Chí lớn càng đẹp hơn bởi lòng đẹp, tâm sáng. Tâm sáng, lòng đẹp được gửi gắm trọn vẹn trong một chữ “thẹn” làm nên nhân cách: “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Cái hay trong tứ thơ là Phạm Ngũ Lão đã lấy tấm gương người xưa để soi mình, răn mình và nhắn gửi đời. Vũ Hầu tức Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc nổi tiếng “tuyệt tài”, có công lớn trong sự nghiệp phục hưng nhà Hán của Lưu Bị.

Vậy nên Phạm Ngũ lão cảm thấy “thẹn” khi chưa mưu lược tài trí hơn người xưa. Đó là cái “thẹn” của sự khiêm tốn, khiêm nhường. Cái “thẹn” ấy chẳng phải sự đố kị, so đo mà ẩn chứa khát vọng vươn lên hơn nữa để bằng người, từ đó sống đẹp, sống hữu ích xứng đáng tâm thế kẻ mày râu, đầu đội trời, chân đạp đất. Cái “thẹn” đáng quý của người anh hùng Phạm Ngũ Lão có vai trò lay tỉnh với không ít người chân chính trong cuộc sống hôm nay. Cần sống sao để đừng bao giờ xót xa ân hận, nuối tiếc ngậm ngùi?

3.

“Thơ là ý lớn, tình sâu trong lời hay tiếng đẹp” (Trần Thanh Đạm). “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đích thực là thi phẩm như thế. Được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, hai mươi tám chữ cô đọng, hàm súc, bài thơ vừa khắc họa được vẻ đẹp của con người có sức mạnh, nhân cách, lí tưởng vừa ngợi ca sức mạnh lay trời chuyển đất của thời đại nhà Trần hào khí sục sôi. Hình ảnh thơ kì vĩ, ngôn ngữ đa nghĩa, nghệ thuật so sánh, cường điệu được sử dụng đắc địa. Chiều sâu ý nghĩa, đặc sắc về nghệ thuật làm nên sức sống bất diệt, vang vọng với thời gian của bài thơ. Phạm Ngũ Lão đã là người thiên cổ, tên tuổi ông vẫn còn vang bóng thời gian, để nhớ để thương trong trái tim hậu thế cùng một bài thơ “giản dị, xúc động mà ám ảnh”, có sức sống lâu bền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.