Người anh hùng - thuyền trưởng con tàu không số huyền thoại

GD&TĐ - Nâng niu trên tay tấm bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng và Nhà nước phong tặng, người thuyền trưởng tàu không số năm xưa rưng rưng nước mắt: “Tấm bằng này thấm máu đồng đội linh thiêng. Xin cảm ơn các đồng chí - những người đã ngã xuống cho Tổ quốc nở hoa, cho đường Hồ Chí Minh mãi là con đường bất tử của dân tộc”.

Người anh hùng - thuyền trưởng con tàu không số huyền thoại

Ông là Nguyễn Sơn, một trong 7 người vừa được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Một thời hoa lửa

Ông Nguyễn Sơn đón chúng tôi trong căn nhà cấp bốn do Lữ đoàn 125 xây dựng, kế bên chợ Hải Tân (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu). Bên ly trà hương lài Nam bộ, ông bắt đầu câu chuyện tình bằng ký ức ngày đầu rời quê hương vượt biển ra Bắc.

Năm 1961, cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở giai đoạn ác liệt. Đế quốc Mỹ ồ ạt tấn công miền Nam Việt Nam. Chúng mở rộng chiến dịch “Thiết xa vận” đưa xe tăng, bọc thép đánh vào căn cứ quân sự đầu não của ta ở khắp các chiến trường Nam bộ.

Trong khi việc vận chuyển vũ khí bằng đường Trường Sơn gặp muôn vàn trở ngại do địch bắn phá lộ bí mật, ngày 23/10/1961 Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 759 với tên gọi “Đoàn tàu không số” (tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân ngày nay) có nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.

Cùng với các hướng ở các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, hướng vượt biển ở Phước Hải (huyện Long Đất, Bà Rịa Vũng Tàu) do thuyền trưởng Nguyễn Sơn chỉ huy và 5 chiến sĩ khác là Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Lê Hà ở đơn vị 555 - một đơn vị đặc biệt có mật hiệu CR, thành lập một đoàn vượt biển ra Bắc.

Lúc đó, ông Nguyễn Sơn mới 21 tuổi, nhưng đã là đảng viên. Ngày 17/2/1962, từ cửa biển Lộc An, 6 chiến sĩ đã bí mật xuống ghe vượt biển ra Bắc. Mỗi người đem theo một hộp sữa bò, 6 bộ quần áo, 12 cheo lưới, 6 giấy thế thân (giấy căn cước) và tình yêu Tổ quốc vô hạn.

Khi ghe đến Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), máy tàu bị hỏng. Thủy quân lục chiến của địch nghi ngờ áp sát để khám xét và bắt 6 chiến sĩ đem giam vào nhà lao Khánh Hòa. Đó là vào sáng 5/3/1962.

Tình huống vô cùng gay cấn, 6 chiến sĩ bấm bụng không thể để lộ bí mật và sẵn sàng hi sinh. Muốn không để lộ tung tích là quân giải phóng miền Đông Nam bộ, bằng mọi cách phải hủy 6 bộ quần áo. Sơn đã bàn với chiến sĩ Lê Hà giả vờ đau bụng.

Sơn liều đến cánh cửa nhà lao hô to “Mở cửa mở cửa. Hồi chiều các ông cho chúng tôi ăn gì mà giờ đau bụng quá. Mở cửa nhanh…”. Tên gác thăm dò hồi lâu rồi mở cửa. 6 chiến sĩ nhanh chóng chạy ra bờ sông “giải quyết” và bí mật dìm bộ quần áo giải phóng xuống bùn đen, dưới sự giám sát chặt chẽ có những tên lính canh gác trên bờ.

Không khai thác được thông tin gì từ “mấy thằng ngư dân đánh cá”, vài tháng sau, bọn địch buộc phải thả họ ra. Rời khỏi nhà lao địch, 6 chiến sĩ vội ra phía vịnh Cam Ranh tìm ghe để tiếp tục hành trình.

Hành trang chỉ có một bao gạo, 1 can nước, 2 can dầu và ít rau nhặt từ chợ, các anh xuống ghe tiếp tục hành trình với quyết tâm “Phải đến được miền Bắc xã hội chủ nghĩa”.

Vừa đi vừa bí mật tiếp cận dò la tin tức, móc nối với Cách mạng. Nước uống dù tiết kiệm lắm cũng chỉ được 2 tuần, đến mức nước... tiểu cũng chia nhau để uống mà cầm cự…

Chuyện tình đẹp như cổ tích

Hơn nửa thế kỷ, quãng thời gian khá dài để người ta quên đi nhiều thứ, nhưng đối với ông Sơn, “chuyện tình ngày ấy” ông chẳng thể quên.

“Tôi gọi là chuyện tình ngày ấy vì lâu quá rồi. Nhờ có niềm tin, tình yêu mà tui hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tiếc là sống với nhau chẳng được bao lâu, mỗi người một ngả, cách trở âm dương”. Ông Sơn đến bên bàn thờ vợ, tay run run nén hương đỏ lửa trước di ảnh người vợ đã lìa xa ông hơn 20 năm qua.

Ông Sơn kể lại: Đêm trước ngày vượt biển năm 1962, lúc đó ông mang tên Nguyễn Văn Chiến, xin đơn vị về nhà gặp cô thôn nữ nói lời tạm biệt.

Bến Lộc An lồng lộng mùa gió chướng. Dưới tán lá tràm bên Vàm Láng, họ ngồi bên nhau cho tim mình thao thức. Chẳng ai biết nói gì và bắt đầu từ đâu, dẫu trong lòng cồn cào như lửa đốt.

Chiến bảo: “Mai anh đi rồi chưa biết bao giờ trở lại. Chiến tranh ác liệt quá, anh phải đi”. Tựa đầu vào vai áo Chiến, Phương động viên: “Chiến trường đang vẫy gọi, anh cứ đi, em đợi em chờ”.

Sớm ngày 17/2/1962, chiến sĩ Nguyễn Văn Chiến và 5 chiến sĩ bí mật xuống thuyền vượt biển ra Bắc. Hành trang đem theo là tình yêu Tổ quốc và lời thề son sắc hẹn gặp ngày đất nước thống nhất. Họ biền biệt xa nhau từ đó.

Để tiếp bước người yêu chiến đấu, Phương đã làm đơn tình nguyện tòng quân nhập ngũ vào đơn vị 555 và được má Mười Riều nhận làm con nuôi rồi cho đi học y tá.

Sau đó Phương về công tác ở đơn vị 1500, rồi đơn vị K-76A Quân khu 7 với nhiệm vụ cứu chữa thương binh vùng ngoại tuyến chờ ngày đất nước giải phóng hoàn toàn.

Chuyến tàu mang bí số “56” của đoàn tàu không số chở vũ khí đạn dược bí mật vượt biển vào cảng Vũng Tàu ngày 29/4/1975 lúc 9 giờ sáng.

Từ loa phát thanh, tiếng cô phát thanh viên dõng dạc: “Tỉnh lỵ Vũng Tàu - Côn Đảo đã được giải phóng hoàn toàn”. Chiến sĩ Nguyễn Sơn ôm chầm lấy Thôi Văn Nam cùng đồng đội mà khóc. Nước mắt ngày giải phóng chen lẫn buồn vui.

Trong đám đông những người có mặt ở cảng Vũng Tàu đón chiến sĩ đoàn tàu không số trở về sáng ấy, có cô chiến sĩ đội mũ tai bèo giải phóng, quàng khăn rằn, tay cầm bó hoa súng ngóng đợi.

“Anh Phe, Phe ơi” - Phương gọi to tên thật của ông Sơn, cầm bó hoa súng giơ cao lên, chạy về phía ông đang dẫn đầu hàng quân. Họ nhận ra nhau. Nước mắt vỡ òa sau 15 năm xa cách, tưởng như không còn gì có thể chia lìa.

Thế nhưng, chỉ một tuần sau ngày cưới, ông Sơn lại tạm biệt vợ để lên đường cầm súng chiến đấu bên chiến trường biên giới Tây Nam, rồi theo đoàn quân tình nguyện sang Campuchia.

Năm 1992, ông được nghỉ chế độ hưu trí với cấp hàm Đại úy. Xét công lao, thành tích của ông, ngày 18/12/2015, Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thắp nén hương tưởng nhớ người vợ thân yêu, nước mắt ông Sơn lưng tròng. Ông khóc thương những đồng đội năm xưa đã ngã xuống.

Ông khóc trong niềm vui sướng khi nhận được danh hiệu cao quí của Đảng và Nhà nước trao tặng nhưng cũng tràn ngập nỗi buồn khi không có người thương yêu nhất ở bên để sẻ san niềm vui lớn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.