Theo một số nghiên cứu về thành phần hóa học của rau ngót cho thấy trong 100g rau ngót có 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 85mg vitamin C, 0,033mg B1, 0,88mg B2. Qua đây thấy rau ngót (so với các rau lá khác) nhiều đạm, chất sắt, mangan.
Với lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.
Ngoài ra, rau ngót là một trong số ít các thực vật hiếm có chứa vitamin K. Theo American of clinical nutrition 1/1999 và tài liệu của Trường đại học Berkeley 7/1999, ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già, do nó bảo vệ cấu trúc khung sụn chống lại sự bào mòn.
Theo Y học cổ truyền, rau ngót tính mát lạnh, vị ngọt, có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh, còn là một vị thuốc nhân dân dùng chữa sót nhau thai và chữa tưa lưỡi.
Mùa hè nên ăn nhiều rau ngót vì ngoài tính mát, rau ngót nhiều tác dụng chữa bệnh.
Chữa trẻ bị sốt nóng
Trong dân gian vẫn thường sử dụng lá rau ngót rửa sạch, giã nát và lọc lấy nước cho trẻ uống, sau đó lấy bã đắp sẽ giúp trẻ hạ được thân nhiệt khi đang bị nóng, sốt.
Hỗ trợ điều trị táo bón
Rau ngót có chứa chất giúp bổ âm, sinh tân dịch, nhiều chất xơ nên giúp ngăn ngừa được táo bón. Phụ nữ sau khi sinh nên dùng rau ngót để bổ âm, bù lại âm và tân dịch mất cùng máu khi sinh.
Trị cảm nhiệt gây ho suyễn
Rau ngót vị mát, có tính thanh nhiệt, lại chứa chất ephedrin rất tốt cho những người bị cúm gây ho suyễn.
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường chỉ được ăn ít cơm để glucoz - huyết không tăng nhiều sau bữa ăn. Rau ngót có inulin giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường (đường và cơm là đường nhanh). Mặt khác, khả năng sinh nhiệt của inulin chỉ bằng 1/9 của chất béo.
Chảy máu cam
Giã rau ngót thêm nước, ít đường để uống, bã gói vào vải đặt lên mũi.
Chữa sót nhau
Lá rau ngót tươi 40g, rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội, gạn lấy 100 ml chia 2 lần, uống cách nhau 15 phút. Sau khoảng 10 - 15 phút, phần nhau còn sót lại sẽ bị tống ra.
Giúp giảm huyết áp
Dùng rau bồ ngót nấu canh ăn hằng ngày. Trong rau bồ ngót có chứa papaverin, chất này có tác dụng gây dãn mạch, chống co thắt cơ trơn. Vì vậy có tác dụng giảm huyết áp. Bài thuốc này có thể áp dụng cho cả người bị mỡ máu cao (xơ vữa động mạch), tai biến mạch máu não do tắc mạch, nghẽn mạch.
Đau mắt đỏ, nhức nhối khó chịu
Lá rau ngót 50g, rễ cỏ xước 30g, lá dâu 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g. Tất cả đều dùng tươi, sắc đặc, chắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Bàn chân sưng nhức
Lá rau ngót giã, cho thêm nước muối pha nhạt, sau đó đắp vào chỗ chân sưng nhức.
Đái dầm ở trẻ em
40g rau ngót tươi rửa sạch, giã nát, sau đó cho một ít nước đun sôi để nguội vào rau ngót đã giã, rồi khuấy đều, để lắng và gạn lấy nước uống. Phần nước gạn được chia làm hai lần để uống, mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 phút.
Chữa tưa lưỡi
Lấy 10g lá tươi, rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước, thấm vào gạc mềm, sạch, đánh trên lưỡi (tưa trắng), lợi, vòm miệng trẻ em. Đánh nhẹ cho tới khi hết tưa trắng.
Tốt cho phụ nữ sau sinh
Rau ngót rất tốt cho phụ nữ sau sinh, bởi tính thanh mát, vị ngọt, giải độc, thanh lọc, lợi tiểu, lại ít chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol, vitamin C dồi dào (hơn cả cam và ổi) giàu chất xơ, lượng đạm thực vật cao, bổ dưỡng. Đối với các chị em sau khi sinh, món rau ngót không thể thiếu trong các món ăn hằng ngày bởi ngoài bồi bổ, lợi sữa, còn có tác dụng giảm cân hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.