Đậu đen là một trong những loại ngũ cốc rất thông dụng với người dân Việt Nam.
Từ rất lâu, đậu đen là một trong những loại ngũ cốc rất thông dụng với người dân Việt Nam qua các món ăn ngon, dân dã như xôi, chè… Với nhiều người, đậu đen không chỉ là thực phẩm mà còn có nhiều công dụng phòng, chữa bệnh rất hiệu quả.
Theo y học hiện đại, đậu đen có glucid 53%, protein 24%, lipid 1,7%, các vitamin A, B1, B2, PP, C; giàu acid amin: lysin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin, isoleusin, arginin, histidin; các nguyên tố vô cơ: Ca, P, Fe…
Theo y học cổ truyền, đậu đen là một loại dược liệu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, bổ huyết, trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.
Giải độc cơ thể bằng đậu đen
Thải độc bằng đậu đen là cách được nhiều chị em ưa chuộng.
Chỉ cần áp dụng một vài phương pháp chế biến đơn giản là đậu đen đã có thể phát huy khả năng giải độc cơ thể như nấu chè đỗ đen hay nấu thành nước uống với lượng từ 20-40g mỗi ngày, hoặc cầu kỳ hơn có thể nấu cháo đậu đen với lá sen (lá sen lấy loại lá bánh tẻ, rửa sạch, thái nhỏ đem sắc 15 - 20 phút, lọc lấy nước.
Gạo tẻ và đậu đen vo qua, cho vào nồi nước sắc lá sen, thêm nước cho đủ, đem ninh nhừ thành cháo. Nêm gia vị, và ăn nguội trong ngày).
Có thể ăn đậu đen thường xuyên, nhất là trong mùa hè. Thích hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, nhất là với người phải làm việc trong môi trường nắng nóng, người háo khát, người can thận âm hư gồm: Tăng huyết áp, phụ nữ tiền mãn kinh, rôm sảy, ban ngứa, suy nhược cơ thể...
Lưu ý khi sử dụng đậu đen
Nên sử dụng đậu đen cho người tạng nhiệt còn những người có thể hàn thì khi sử dụng nên thêm vào 1 ít gừng.
Khi chế biến đậu đen cần phải nấu chín kỹ để hoặt chất trong vỏ tiết ra ngoài và dễ tiêu hóa và hấp thu hơn.