Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ VH-TT&DL chủ trì lập hồ sơ đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật chèo Đồng bằng sông Hồng và võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đại diện sân khấu Việt
Theo nhà nghiên cứu chèo Bùi Đức Hạnh, nghệ thuật chèo phát triển mạnh ở châu thổ sông Hồng, và được coi là loại hình sân khấu hội hè giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu như đại diện sân khấu Trung Quốc là Kinh kịch (Bắc Kinh), Nhật Bản là kịch nô thì đại diện sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.
Nghệ thuật chèo hình thành từ thế kỉ thứ 10, đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ bản sắc dân tộc, chứ không bó hẹp như các loại hình nghệ thuật như tuồng, cải lương, quan họ…
Các nhà nghiên cứu chèo cho rằng, kinh đô Hoa Lư thời nhà Đinh chính là đất tổ của sân khấu chèo. Người sáng lập là bà Phạm Thị Trân - một vũ ca trong hoàng cung và cũng được coi là “bà tổ” của nghệ thuật chèo Việt Nam.
Cách rước trống chèo của bà Phạm Thị Trân có sức cổ vũ lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Nghệ thuật hát chèo bắt đầu hình thành từ thời đó. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho rằng chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ 10. Người Việt đã phát triển tích truyện chèo dựa trên các trò nhại thành vở diễn trọn vẹn.
Đến thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông không cho phép biểu diễn chèo trong cung đình. Chèo trở về với nông dân, kịch bản lấy từ truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở vùng nông thôn Việt Nam và đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19.
Những vở chèo nổi tiếng như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên… xuất hiện trong giai đoạn này. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị, trở thành chèo văn minh.
Hát chèo được đánh giá là loại hình nghệ thuật dân tộc có sức sống lâu bền, độc đáo và phổ biến. Chèo đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục và phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần nên được nhân dân yêu mến, gìn giữ. Tuy nhiên, muốn thấy được cái hay cái đẹp của chèo, thì phải trực tiếp đến các chiếu chèo để cảm nhận.
Sau 11 thế kỷ tồn tại, con đường của chèo không phải lúc nào cũng bình lặng. Từng có thời giới nghệ thuật tranh cãi gay gắt về chèo mới – chèo cũ. Nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh cho rằng: “Không có chèo cổ thì không có chèo mới. Không có chèo mới thì chèo cổ cũng chỉ đem xếp vào kho. Một mặt lưu giữ nó, một mặt phải đưa nó ra với cuộc sống để nó là một bảo tàng sống, chứ không phải một bảo tàng chết”.
Võ của những tướng lĩnh lừng danh
Võ Bình Định còn được gọi là võ Tây Sơn, bởi sự phát triển các nhánh phái gắn liền với phong trào khởi nghĩa của 3 anh em Nguyễn Nhạc. Đặc biệt nhất là những kỹ thuật thừa hưởng của nhà Tây Sơn, như bài “Hùng Kê quyền” vốn được coi là của Nguyễn Lữ, bài quyền “Yến Phi” của Nguyễn Huệ, các kỹ thuật về trống trận Tây Sơn.
Theo thời gian, võ cổ truyền Bình Định không còn giới hạn phạm vi trong nước mà đã vươn tầm quốc tế, được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Theo võ sư Hà Trọng Ngự, võ Bình Định có những đặc điểm chiến đấu tự vệ rất tốt. Đặc trưng của loại võ này là đánh cận chiến, đánh nhập nội nên luôn tìm mọi cách áp sát đối phương, dùng gối chỏ, đòn sát phạt gây tổn hại đến đối phương. Đồng thời uyển chuyển tránh né hoặc lặn – lành – hoành - bắt - lắt - liếc rất đa dạng trong tự vệ.
Nhân sinh quan của người học võ là triết lý động, linh hoạt và luôn song hành cùng với những chuẩn mực xã hội. Đó là đạo hiếu làm con, đạo nghĩa là trò, đạo tín làm bạn và đạo của những người học võ.
Người học võ chân chính không bị lu mờ trước vật chất, không chịu khuất phục trước quyền uy, thấy bất công thì không chịu khoanh tay đứng nhìn, gặp hiểm nguy thì không màng đến tính mạng.
Việt Nam là một trong số không nhiều nước châu Á có nền võ học dân truyền với hệ thống hết sức đầy đủ và khoa học - từ võ đạo đến võ lý hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa dân gian.
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án bảo tồn võ cổ truyền. Phát hành các bài võ quyền, thập bát ban binh khí, chân dung các võ sư, võ nhân tiêu biểu của võ cổ truyền Bình Định. Đồng thời xuất bản sách Võ gồm 17 bài quyền tay không và binh khí đặc trưng. Nhờ đó, các bài võ cổ truyền Bình Định được bảo tồn và lưu truyền rộng rãi trong nước và quốc tế.
Năm 2008, Bình Định chỉ có 37 võ sư, 32 chuẩn võ sư và 59 huấn luyện viên. Đến nay, đã có 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư, 12 võ sư cao cấp, 81 võ sư, 58 chuẩn võ sư và 415 trợ giáo các cấp.
Chương trình “Đêm võ đài Bình Định” cũng được tổ chức định kỳ vào tối thứ Bảy hàng tuần tại thành phố Quy Nhơn đã trở thành giải đấu uy tín. Đặc biệt, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần tại Bình Định cũng thu hút đông đảo võ sư, võ sinh đến từ nhiều quốc gia.